Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cần có giải pháp, chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH

Chiều 02/11/2023, theo chương trình Quốc hội nghe trình bày Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thảo luận ở tổ cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đã có 11 đại biểu trong Đoàn tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, đa số các ĐBQH trong đoàn đồng tình với phương án cho rằng: Xoay quanh nội dung BHXH một lần, cần giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực.

Thout2-11.jpg
ĐBQH Thổ Út đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể các xã vừa thoát khỏi vùng khó khăn thì cần có lộ trình cắt giảm dần dần từ 01 - 03 năm để đảm bảo cho vùng phát triển bền vững. Do thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 62 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì các chính sách của nhà nước về hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trước đó đối với đồng bào dân tộc ở khu vực khó khăn sẽ phải dừng lại.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, đề nghị bổ sung nhóm đối tượng bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn; người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn cũng như thôn, xóm, tổ dân phố tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì mức thu nhập của các đối tượng này rất thấp và bấp bênh. Chính vì vậy, đề nghị cần làm rõ thêm về cơ sở, căn cứ của các quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội, chế độ thụ hưởng của đối tượng tham gia và ngân sách nhà nước hỗ trợ.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý có ý kiến tại Điều 3 về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đảm bảo phù hợp với Bộ luật lao động. Tuy nhiên, để thể hiện và định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc - đây là chính sách cần thiết để tiệm cận đến số lượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng như là bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chế tài phù hợp để có sự kiểm soát cũng như thực hiện xử phạt nghiêm đối với hành vi chậm đóng, nợ đóng BHXH.

NhuY2-11.jpg
Đối với Điều 70 theo dự thảo đưa ra 02 phương án và cũng đã nêu rõ ưu khuyết điểm của từng phương án, bên cạnh đó thống nhất với báo cáo thẩm tra và có trình bày một ý kiến khác tạm gọi đó là phương án 3. Đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế một phương án tối ưu nhất để người lao động có nhiều sự lựa chọn, trên thực tế người lao động đang nhận thức đây là tài sản và quyền của họ nên khi gặp khó khăn họ nghĩ ngay đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Mặt khác trong giải pháp đặt nặng vấn đề tuyên truyền song có lẽ phương thức chưa tuyên truyền hết ý nghĩa của nội dung này. Trong thời gian sắp tới, luật này sẽ tiếp tục được lấy ý kiến và thảo luận kỹ hơn trước khi thông qua.

Về chậm đóng, trốn đóng và xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH quy định tại Điều 36, 37 đang có sự vênh nhau giữa 03 Luật: hình sự, công đoàn và bảo hiểm. Đề nghị Ban soạn thảo cần có giải pháp, chế tài đủ mạnh để giải quyết triệt để vấn đề này, vì khi nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm chỉ căn cứ vào việc đóng bảo hiểm đủ hay không để giải quyết chính sách chứ không giải quyết theo hoàn cảnh.

Tại Điều 118 đề nghị Ban soạn thảo cần phải thiết kế một nội dung mang tính là quỹ dự phòng để xử lý đối với những trường hợp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản,... cần phải hỗ trợ cho người lao động cũng như có những chính sách hỗ trợ trong giai đoạn doanh nghiệp khó khăn.

ĐBQH Quản Minh Cường có ý kiến về Điều 66 mức lương hưu hàng tháng. Theo dự thảo, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 64 luật này bằng 45% mức bình quân. Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của luật này có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ là 2,25%. Tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm 20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Quy định này sẽ không thống nhất với tuổi hưu. Nếu như vậy là giữa nam với nữ là chênh nhau 05 năm, Nam thì 62 tuổi về hưu, Nữ 60 tuổi về hưu. Đề nghị quy định là thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với nam, 18 năm đối với nữ cần điều chỉnh nội dung này nhằm thể hiện sự công bằng trong luật.

QMC2-11.jpg
Về thuật ngữ “ốm đau” đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm. Vì “ốm” theo từ điển tiếng Việt là tình trạng bệnh lý phải sử dụng thuốc còn “đau” thì có thể là bệnh lý mà cũng có thể có tác động ngoại cảnh làm cho con người khó chịu hoặc gây đau đớn. Khi áp dụng trong luật thì phải rất chính xác. Đề nghị phải diễn đạt lại thành “ốm, đau” cho chính xác tránh tình trạng lạm dụng Luật.

Về vấn đề trốn đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo, quy định hình phạt quá nhẹ trong Bộ luật hình sự (tại Điều 215, 216 chủ yếu là phạt tiền, cải tạo không giam giữ từ 1 - 12 tháng tù giam) không đủ sức răn đe dẫn đến các chủ doanh nghiệp vi phạm với sồ tiền lớn.

ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng cần đánh giá đối với việc rút bảo hiểm xã hội một lần vì không chỉ đơn giản để phục vụ cho khó khăn trước mắt mà cần phải đánh giá trong tổng thể trụ cột an sinh và liên quan đến nền tảng xã hội, liên quan đến sự ổn định. Nếu coi bảo hiểm xã hội là một trụ cột thì chúng ta thiết kế những chính sách phù hợp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đưa ra những chính sách có tính khả thi, tránh việc thiết kế chỉ mang tính cơ học, trước mắt.

An2-11.jpg
Tại Điều 70 dự thảo đặt ra 02 phương án, đồng tình với phương án 01 của Chính phủ vì phân biệt được thành 02 nhóm đối tượng (nhóm đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực tham gia thì cho rút và nhóm tham gia BHXH sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không được rút tùy tiện chỉ cho rút một lần đối với một số trường hợp theo quy định: đủ tuổi hưu mà chưa đóng BHXH đủ năm để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo). Tuy nhiên, có một điều liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp được quy định ở Luật việc làm. Nếu làm tốt được bảo hiểm thất nghiệp theo đúng cơ chế của Luật Việc làm thì người lao động không nghĩ đến việc rút bảo hiểm một lần. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải tính toán, rà soát kỹ sát với đối tượng trong lực lượng vũ trang.

Conglong2-11.jpg
ĐBQH Nguyễn Công Long cho biết Điều 36, 37 là 02 điều mới quy định trong dự thảo để giải quyết, xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đang phổ biến hiện nay. Mặt khác, việc xử lý hình sự các vụ án liên quan đến vấn đề này rất ít  trong khi số tiền rất lớn hàng ngàn tỷ. Tuy nhiên cần cân nhắc trong việc xử lý vấn đề này vì lỗi chủ yếu là người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) họ đang tạo công ăn việc làm và có đóng góp rất lớn cho kinh tế và phát triển địa phương. Do đó bất kỳ một hành động, tác động nào về mặt pháp lý gây ra những ảnh hưởng nhất định, còn nếu trông chờ vào xử lý hình sự thì rất khó. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ rà soát kỹ vấn đề này, làm sao cho quy định một cách thống nhất, rõ ràng, các trường hợp chậm thì xử lý thế nào và trốn thì xử lý thế nào, phải quy định rõ các chế tài trong việc xử lý về kinh tế, tài chính để làm cơ sở cho việc xử lý hình sự. Về quy định khen thưởng, xử lý vi phạm BHXH đề nghị bỏ điều về xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội do nội dung vừa thừa, vừa thiếu.

Kiều Trang

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​