Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thảo luận tại Tổ về Nghị quyết 53/2017/QH14 và Nghị quyết thí điểm về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Chiều 27/10/2023, Đồng chí Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ trưởng thảo luận tại tổ cho ý kiến về các nội dung: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

QMC27-10.jpg
Ông Quản Minh Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận tại Tổ 6 (Đồng Nai, Hà Giang, Sóc Trăng)

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của 04 đại biểu của Đoàn Hà Giang, Sóc Trăng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều nhất trí với việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14, việc điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2024 là cần thiết, song Chính phủ cũng cần rà soát, có giải pháp phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Liên quan Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết này, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Qua các ý kiến thảo luận, ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết: hiện nay còn 64 ha chưa thu hồi nhưng chủ yếu nằm bên ngoài chứ không thuộc trung tâm dự án, nên việc GPMB tiếp theo không ảnh hưởng đến quá trình thi công sân bay. Đồng thời qua hai năm dịch bệnh không thể thực hiện kiểm đếm, đền bù dẫn đến dự án chưa đảm bảo tiến độ, “20 năm quy hoạch không biết khi nào thực hiện trong khi người dân thực hiện sang, bán, chuyển nhượng rất nhiều lần mà luật không cấm, hiện tại có hơn 2.000 đơn khiếu nại liên quan đến việc này nên việc quản lý vô cùng khó khăn, phải giải quyết theo trình tự”. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhà thầu rời bỏ dù chịu nộp phạt, bản thân doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại khi đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng; mặc dù đã làm rồi nhưng làm tiếp sẽ thua lỗ nên doanh nghiệp không làm nữa. Tỉnh cũng đã họp thống nhất là ứng kinh phí để làm hạ tầng trường học, đảm bảo điều kiện sinh hoạt học tập của người dân khu tái định cư.

Ngoài ra, tỉnh hiện còn hơn 1.000 trường hợp chưa đủ căn cứ xem xét phê duyệt tái định cư, nhưng ông cho rằng nhiều trường hợp cũng “không thể không xem xét” vì tính hợp lý trên thực tế.

BXT27-10.jpg
Ông Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

phát biểu thảo luận tại Tổ 6 

Ông Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cung cấp thêm một số thông tin về dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quốc gia có quy mô lớn nhất đến thời điểm hiện nay nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, tái định cư cũng cần thời gian dài hơn. Thời điểm tổ chức thực hiện thì địa phương áp dụng Chỉ thị 16 “bất di, bất dịch” do đại dịch COVID-19 nên công việc “đóng băng” không thể đi kiểm đếm. Ngoài ra, dự án quy hoạch hơn 20 năm nên trong thời gian chưa triển khai. Người dân có nhu cầu vẫn sang nhượng, mua bán qua nhiều người, dẫn đến công tác đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn, nếu không làm cẩn thận sẽ dẫn đến khiếu nại. Mặt khác, có nhà thầu dù đã bỏ tiền xây dựng 30 - 40% công trình vẫn bỏ không làm tiếp. Muốn đấu thầu lại phải tiến hành bóc tách khối lượng, lên hồ sơ, chưa kể xin điều chỉnh giá nhân công, vật liệu. Hiện nay chủ yếu là kéo dài thời gian này qua 2024 để cho hoàn chỉnh lại hạ tầng kỹ thuật còn giải phóng mặt bằng và bồi thường thì gần như đã xong. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ứng khoảng 1.350 tỷ đồng, chủ yếu là phục vụ cho giải phóng mặt bằng sau khi được Quốc hội cho phép thì sẽ hoàn trả phần ứng này nên cũng không tác động đến việc chi ngân sách, kinh tế xã hội của tỉnh.

Về đào tạo nghề, phải nói là chúng tôi cũng rất sốt ruột vì người ngay tại địa phương do gần nhà nên chưa chọn lựa công việc phù hợp, những người đăng ký đào tạo nghề nhưng thực ra họ đã có việc làm. Bởi vì Long Thành cũng là khu công nghiệp, nếu có công việc khác tốt hơn thì người dân mới đăng ký nên dẫn đến việc đào tạo nghề hiện nay còn hạn chế, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người được đào tạo chứ không phải ý chí chủ quan của cơ quan quản lý. Hiện nay, Đồng Nai đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, bởi vì nếu không chuẩn bị thì tới năm 2025 khi sân bay đi vào hoạt động thì sẽ không đủ nguồn nhân lực để đáp ứng. 

Mặt khác, qua khảo sát dự án còn phát sinh nhiều vấn đề như: vùng này là vùng đất đỏ bazan, cho nên “nắng thì bụi, mưa thì lầy”. Hiện nay gặp tình trạng “bụi đỏ” khi san lấp mặt bằng ảnh hưởng các hộ dân xung quanh và một số khu vực lân cận. Cho nên, đại biểu cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan kèm theo chứ không phải chỉ đơn thuần là thời gian. Trong công tác thu hồi giải phóng mặt bằng Đồng Nai làm rất quyết liệt và phải huy động hết lực lượng, cả tỉnh, cả các huyện khác để cùng thực hiện kiểm đếm cùng một lúc 5.000 hecta là một khối lượng công việc lớn.

Kiều Trang.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​