Chiều ngày 13/3/2025 tại Trụ sở Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ông Bùi Xuân Thống, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án luật thông qua tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV gồm: Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Công nghiệp công nghệ số. Cùng dự có các vị ĐBQH, đại diện lãnh đạo HĐND, UBMTTQVN, các sở, ngành liên quan và đại diện UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho biết để chuẩn bị cho chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sắp tới. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị muốn lắng nghe ý kiến từ các cơ quan chức năng cùng một số sở, ngành liên quan góp ý để xây dựng các dự án luật. Việc lấy ý kiến sẽ góp phần vào thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; tính đồng bộ, phù hợp giữa các luật đã ban hành, tránh xung đột, mâu thuẫn. Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe 07 lượt ý kiến của các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến phản ánh những vướng mắc liên quan nội dung 02 dự thảo Luật nêu trên.
Ông Thái Thanh Phong - PGĐ Sở Công thương tỉnh phát biểu tại hội nghị
Đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi): Thống nhất đưa quy định “Đầu tư dự án hóa chất thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư”. Tuy nhiên các dự án/tổ hợp hóa chất phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn trong việc thu hút đầu tư, thủ tục môi trường,....đồng thời phải tạo được giải pháp an toàn cao nhất trong quá trình hoạt động sản xuất; Về quy định hoạt tư vấn chuyên ngành hóa chất, hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất cần rà soát để thống nhất và phù hợp với Luật xây dựng, Luật An toàn vệ sinh lao động; Về trách nhiệm lập và sửa đổi bổ sung Phiếu an toàn hóa chất cần phải quy định rõ tổ chức, cá nhân nào có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung Phiếu an toàn hóa chất, đông thời phải quy định thêm trách nhiệm việc tổ chức, cá nhân cung cấp thông trong Phiếu an toàn hóa chất đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác về mặt khoa học hoặc nguồn dữ liệu tham chiếu; nhằm siết chặt việc sử dụng; Về “hành vi nghiêm cấm”, một số đại biểu cho rằng dự thảo chưa thể hiện đầy đủ nội dung liên quan đến việc kinh doanh các chất độc như xianua, thủy ngân, các chất tiền ma túy… vốn có nguy cơ cao đối với sức khỏe và an toàn cộng đồng. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các loại hóa chất này.
Đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Điều 1 về phạm vi điều chỉnh theo hướng liệt kê nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể, còn thiếu nội dung về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, cần bổ sung để hoàn thiện. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo không nên quy định “trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp công nghệ số” tại Điều 27 mà cần trình bày thành một điều riêng, bố cục tại Chương IV của dự thảo (phát triển doanh nghiệp công nghệ số) hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Ngoài ra, các đại biểu đề xuất bổ sung cụm từ “nguyên tắc” vào khoản 7, Điều 49 để làm rõ nội dung: “Các bộ chuyên ngành căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng, ban hành hướng dẫn quy tắc đạo đức cho việc triển khai, sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực phụ trách, dựa trên các nguyên tắc quy định tại điều này.”
Ông Bùi Xuân Thống chủ trì hội nghị phát biểu kết luận
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống nhấn mạnh việc sửa đổi hai dự án luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên tinh thần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để kiến nghị để chỉnh sửa, bổ sung, bảo đảm nội dung dự thảo luật chặt chẽ, khả thi trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.