Theo chương trình phiên họp thứ 36, chiều 21/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước; được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai
Các ĐBQH sẽ chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai gồm 06 lĩnh vực: tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị chuyển kiến nghị liên quan đến vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, Thanh Bình, Dầu Giây để điều tra theo quy định pháp luật. Đặt vấn đề chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Bùi Xuân Thống cho biết, ngày 25/7/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 11/2022 đối với vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Trong đó có 04 nội dung kiến nghị xem xét hành vi có dấu hiệu tội phạm cụ thể: Hành vi huy động vốn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước nếu có căn cứ xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức chính trị thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm vẫn có thể khởi tố; hành vi sử dụng giấy chứng nhận giả để hợp thức hóa các hồ sơ làm giả với đích chiếm đoạt tài sản…
Ngày 26/4/2023, đại biểu cho biết, cơ quan điều tra đã có văn bản gửi kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao chuyển hồ sơ và kiến nghị đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai hoặc cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp nhận, điều tra các hành vi nêu trên. Ngày 22/6/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có văn bản số 103 kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét các kiến nghị, tuy nhiên đến nay Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có phản hồi. Sau đó, các kiến nghị tiếp tục được gửi đến Tòa án nhân dân tối cao đề nghị phân công cơ quan điều tra thực hiện các nội dung kiến nghị trong Quyết định giám đốc thẩm… Nhân phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay, đại biểu Bùi Xuân Thống và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, chuyển các kiến nghị này để các cơ quan tiếp tục thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn đại biểu Bùi Xuân Thống liên quan đến vụ việc cụ thể, theo đó đại biểu yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao sau khi xét xử giám đốc thẩm, có thông tin để Công an Đồng Nai khởi tố điều tra vụ án; và chuyển hồ sơ cho Công an Đồng Nai để điều tra truy tố, xét xử.
Về thông tin đến Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi xét xử giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao đã chuyển thông tin, tài liệu và bản án đến Viện kiểm sát và Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra. Với thông tin như vậy, phát sinh một vụ án độc lập với bốn hành vi như đại biểu Quốc hội nêu, khi đó Công an tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có thể mở cuộc điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với việc chuyển hồ sơ vụ án không thể chuyển được, bởi theo quy định của pháp luật, bản án có hiệu lực pháp luật phải lưu giữ hồ sơ đó tại Trung tâm lưu giữ hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo thực hiện việc lưu trữ quốc gia. Nếu quá trình điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai thấy cần phải tham khảo tài liệu từ vụ án này hoàn toàn có thể đến Trung tâm lưu giữ để sao trích hồ sơ này phục vụ cho nhu cầu điều tra.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với nhóm lĩnh vực này có tổng số 39 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 36 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nhìn chung phiên chất vấn đã diễn ra khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị đại biểu Quốc hội với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình đã bám sát các nội dung chất vấn, đặt các câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào những vấn đề trong việc thực hiện các nghị quyết đã chất vấn và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới; nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của các bộ, ngành.
Các Bộ trưởng, Thành viên Chính phủ, Trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý, đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm các câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm và tranh luận. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và những vấn đề phát sinh đang cần phải nghiên cứu giải quyết; đề ra những giải pháp để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Bộ, ngành trong thời gian tới.