Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời kiến nghị cử tri Đồng Nai sau kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XV

1. Cử tri huyện Trảng Bom đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến biên chế giáo viên, hiện nay ngành giáo dục đang thực hiện chương trình GDPT 2018, đòi hỏi nhân lực để thực hiện đủ 2 buổi/ ngày, hoặc ít nhất 6 buổi/tuần; với yêu cầu như vậy cần biên chế giáo viên là 1,5 giáo viên/lớp đối với cấp tiểu học, nhưng thực tế hiện nay các trường tiểu học chỉ được phân bổ biên chế từ 1 đến 1,3 giáo viên/ lớp, thực tế này rất khó khăn cho các trường khi phân công chuyên môn. Cử tri kiến nghị cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo biên chế giáo viên phục vụ giảng dạy.

Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời tại công văn số 1320/BGDĐT-VP ngày 22/03/2024 như sau: 

Ngày 30/10/2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Trong đó, quy định định mức giáo viên/lớp (theo vùng miền) ở trường tiểu học tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày, tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 01 buổi/ngày.

Thông tư cũng quy định việc xác định vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phải bảo đảm đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định để thực hiện công tác giảng dạy tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông và để thực hiện các công việc chuyên môn dùng chung, công việc hỗ trợ, phục vụ của cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ giáo viên (bao gồm biên chế và hợp đồng) đủ theo định mức quy định đối với cấp tiểu học để bảo đảm việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

2. Cử tri phản ánh ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số: 19/2023/TT-BGDĐT về "Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập" và Thông tư số: 20/2023/TT-BGDĐT "Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập". Sau khi hai thông tư trên vừa ban hành cử tri làm công tác Y tế học đường có ý kiến băn khoăn,  lo lắng vì theo quy định của các Thông tư (trong danh mục ban hành kèm theo) Y tế học đường xếp vào nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục và thuộc nhân viên hợp đồng, việc quy định như thế là bất hợp lý và gây nhiều thiệt thòi và tạo tâm lý không an tâm, bởi cử tri cho rằng họ là những người đã được đào tạo, có trình độ chuyên môn theo quy định... Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cần nghiên cứu có quy định cho phù hợp, tương xứng với điều kiện công việc của họ để tránh thiệt thòi cho người làm công tác Y tế học đường.

Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời tại công văn số 1320/BGDĐT-VP ngày 22/03/2024 như sau: 

Triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ GDĐT). Các vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ. Theo đó, vị trí việc làm y tế học đường được xếp vào danh mục hỗ trợ, phục vụ.

Sau khi ban hành 02 Thông tư trên, Bộ GDĐT nhận dược nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố, của đội ngũ nhân viên y tế trường học liên quan đến danh mục vị trí việc làm. Để bảo đảm quyền lợi và sự ổn định của đội ngũ, Bộ GDĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV, trong đó đề nghị điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Bộ Nội vụ đang tiến hành chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 12/2022/TT- BNV, trong đó có điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung. Trước mắt, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 7583/BNV-TCBC ngày 23/12/2023 hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm, trong đó đề nghị các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định vị trí việc làm “Y tế học đường" thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung như hiện nay để xây dựng Đề án vị trí việc làm.

3. Cử tri huyện Xuân Lộc phản ánh trong thời gian qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hải Phòng, Cà Mau, TP. Hà Nội… đánh nhau ở trong lớp hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường, trong các clip này không chỉ học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn mà là cả một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, giẫm đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo, nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng, trong khi đó có rất nhiều bạn bè đứng xung quanh nhưng không có hành động gì để can ngăn, thậm chí còn cổ vũ, đáng lưu ý hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Cử tri rất lo lắng trước hiện trạng này và mong muốn Bộ Giáo dục - Đào tạo xác định nguyên nhân và có giải pháp hạn chế bạo lực học đường trong thời gian tới.

Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời tại công văn số 1320/BGDĐT-VP ngày 22/03/2024 như sau: 

Trong thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) được triển khai thực hiện, tuy nhiên tình trạng BLHD vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc có đông người tham gia; học sinh sử dụng hung khí nguy hiểm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; vụ việc được thực hiện bởi học sinh nữ gia tăng; nhiều vụ việc được quay video và phát tán trên các nên tảng mạng xã hội hoặc chia sẻ trên các hội, nhóm; người chứng kiến vô cảm, một số vụ việc người chứng kiến còn cổ vũ kích động. Tình trạng BLHĐ xảy ra có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu tập trung ở một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hệ thống văn bản về phòng, chống BLHĐ phần lớn là các văn bản mang tính chỉ đạo, điều hành; thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý; các quy định về trình tự, thủ tục chưa cụ thể, đầy đủ. Do đó, khi xảy ra vụ việc BLHĐ, nhà trường, các cơ quan quản lý còn lúng túng để xử lý.

           Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống BLHĐ còn dàn trải, chưa tập trung, các hình thức chưa thu hút được số đông học sinh tham gia. Việc ký cam kết giữa gia đình và nhà trường còn mang tính hình thức. Một số địa phương còn tồn tại một số hủ tục (bắt vợ, tảo hôn)... Việc lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống BLHĐ vào các môn học trong chương trình giáo dục chưa được xác định rõ ràng, quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, một số lãnh đạo nhà trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh chưa nhận thức đầy đủ, chưa thật sự quan tâm về tình trạng BLHĐ; một số giáo viên còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm khả năng sư phạm khi giao tiếp, giáo dục học sinh; một số gia đình phó mặc cho nhà trường, chưa phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục, uốn nắn học sinh; cá biệt, nhiều trường hợp chống đối, không hợp tác với nhà trường, giáo viên, đến trường hành hung lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh khác gây mất an ninh trật tự trường học; v.v... Một số nhà trường chưa thực hiện việc cung cấp thông tin về BLHĐ trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành theo yêu cầu.

Thứ tư, việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa học đường ở một số cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của nhà trường; một số người học có hành vi ứng xử chưa đúng mực, công tác giáo dục kỹ năng sống ở một số cơ sở giáo dục chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện, chưa có thời gian để rèn luyện kỹ năng.

Thứ năm, công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường còn nặng về lý thuyết, thiếu hướng dẫn ứng xử trong tình huống cụ thể; trong cơ sở giáo dục việc thực hiện chức năng tư vấn tâm lý, công tác xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thứ sáu,, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ bảy, công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt công tác tự kiểm tra, giám sát thực hiện còn mang tính hình thức.

Để phòng ngừa và hạn chế tình trạng bạo lực học đường cần sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ GĐĐT đã và đang thực hiện các giải pháp sau:

  1. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHD; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; văn hóa ứng xử trong trường học và một số nội dung bổ trợ khác. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thu tướng Chính phủ trong toàn ngành Giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLHĐ.
  2. Tiếp tục chỉ đạo lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn giáo dục công dân, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác, trong đó có các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLHĐ. Xây dựng và triển khai sử dụng các tài liệu giáo dục kỹ năng phòng, chống BLHĐ để cán bộ, giáo viên, gia đình học sinh và học sinh tham khảo sử dụng.
  3. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương, chỉ đạo các sở GDĐT phối họp với các sở, ban, ngành, tổ chức ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLHĐ cho học sinh; tăng cường triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường giúp phòng ngừa và tư vấn, hỗ trợ cho học sinh liên quan đến BLHĐ.
  4. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, Tôn trọng, Trách nhiệm, Hợp tác, Trung thực trong mối quan hệ cùa mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
  5. Chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỳ năng trong việc dồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.
  6. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm.
  7. Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bán chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo.​


Nguyễn Thị Thu Hà

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​