Sáng ngày 09/10/2024 tại hội trường Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đã chủ trì Hội nghị nghị lấy ý kiến 5 dự án Luật gồm: Luật Điện lực; Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Cùng dự có các vị ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai Lưu Thị Hà, lãnh đạo các sở, ngành và đại diện UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại Điện lực Đồng Nai
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe 06 báo cáo tham luận và 05 lượt ý kiến của các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến vào 05 dự án luật cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết, việc sửa đổi các dự án Luật nêu trên là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; tính đồng bộ, phù hợp giữa các luật, nghị quyết với các luật, quy định đã ban hành, tránh xung đột, mâu thuẫn.
Đối với dự thảo Luật Điện lực: đề nghị bổ sung nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, quy hoạch sử dụng đất, vùng biển, mặt nước sông cho việc phát triển các nguồn điện; bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thủy điện, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan (Đất đai, Quy hoạch, Giao thông, Phòng cháy chữa cháy, Đô thị); cần quy định rõ trách nhiệm xử lý các tồn tại thuộc thẩm quyền địa phương, bộ, ngành hay Chính phủ; khi dự án luật được thông qua có thông tư hướng dẫn cụ thể.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc phát biểu tại hội nghị
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung về Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược; đề nghị tăng thời gian thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược nếu không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục; một số khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý giá thuốc; Thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được dự thảo Luật điều chỉnh.
Đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): cần có điều khoản rõ ràng về quản lý, trùng tu, nâng cấp để các di tích, di sản phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, du lịch; Rà soát kỹ để trách tình trạng chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác đã ban hành như luật Lưu trữ, Luật Xây dựng, Quy hoạch, tránh được mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn di sản với phát triển kinh tế; Cần xác định chủ sở hữu di sản (cá nhân, gia đình, gia tộc, tổ chức xã hội, nhà nước…); cần xác định rõ phạm vi, trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân, tập thể và nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa việc đầu tư bảo vệ giá trị di sản văn hóa; đơn giản hóa các thủ tục; quy định cụ thể rõ ràng về trách nhiệm đơn vị quản lý, sử dụng và những tiêu chí nguyên tắc khi sử dụng quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn phát biểu tại hội nghị
Đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn: đề nghị làm rõ định nghĩa “sự đồng bộ các cấp độ quy hoạch là gì”; Bổ sung một số quy tắc trong việc áp dụng quy hoạch; Nên giao trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn cho UBND cấp huyện; Quy định rõ và chi tiết hơn trong điều chỉnh quy hoạch…
Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến 5 dự án Luật nói trên giúp cho ĐBQH thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương về các dự án Luật nhằm sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên tinh thần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan liên quan tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV để khi Luật ban hành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và có tính bền vững lâu dài.