Cử tri huyện Xuân Lộc băn khoăn về hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng bán hàng của nước ngoài hiện nay không kiểm soát được chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng đến kinh doanh thương mại và chợ truyền thống trong nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta. Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa đồng thời cần có giải pháp để tránh xung đột lợi ích giữa chợ truyền thống và thương mại điện tử.
Hình ảnh buôn bán TMĐT
Bộ Công thương trả lời tại công văn số 6213/BTC-KHTC ngày 20/08/2024 như sau:
Nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử (TMĐT), các nền tảng bán hàng của nước ngoài cũng như đảm bảo việc phát triển hài hòa giữa kinh doanh TMĐT và kinh doanh thương mại và chợ truyền thống, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP để giúp công tác quản lý hoạt động TMĐT và công tác thực thi pháp luật được minh bạch và hiệu quả. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, quy định cụ thể trách nhiệm của các Sàn giao dịch TMĐT và các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT nhằm hạn chế sự khác biệt giữa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với đối với các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2023) và Nghị định 55/2024/NĐ-CP.
Thứ hai, Bộ Công Thương kiểm soát các sàn từ khâu đăng ký sàn giao dịch TMĐT để đảm bảo các Sàn tuân thủ đúng quy định pháp luật khi hoạt động;
Thứ ba, Bộ Công Thương tiến hành hậu kiểm các sàn định kỳ theo kế hoạch hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện và đấu tranh với hành vi vi phạm trên sàn;
Thứ tư, Bộ Công Thương thường xuyên chủ động rà soát các Website yêu cầu gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp hay cơ quan báo chí, truyền thông. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 14 văn bản yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Kết quả đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm.
Thứ năm, xây dựng hệ thống tiếp nhận và giải quyết tranh chấp trực tuyến giúp cho người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh về các hành vi vi phạm của các nhà bán hàng hay Sàn giao dịch TMĐT từ đó có căn cứ để xử lý vi phạm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ sáu, Bộ Công Thương thường xuyên tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm, cảnh báo cho người tiêu dùng; Tổ chức hội thảo hội nghị liên quan tới công tác chống hàng giả trong TMĐT; Tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước và các cán bộ thực thi pháp luật về TMĐT tại địa phương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện đang đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 18/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ: về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống thực hiện chuyển đổi số, triển khai bán hàng đa kênh,... để tận dụng lợi thế của TMĐT, mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về đào tạo nhân lực, hướng dẫn tích hợp các giải pháp công nghệ, các kỹ năng TMĐT.