Ngày 31/10/2023, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.
Hình ảnh Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự kỳ họp thứ 6 - QH15
Sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường đã có 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận. Ông Nguyễn Công Long - ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tham gia phát biểu tranh luận ý kiến với ông Trương Trọng Nghĩa - ĐBQH TP. HCM và các đại biểu về vấn đề không cần thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về việc Nhà nước biên soạn bộ sách giáo khoa. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề thực thi pháp luật và trách nhiệm là của Nhà nước. Nghị quyết 88 thể hiện rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Nhà nước trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa và từ đó tạo ra cơ sở để ban hành và in ấn bộ sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Công Long - ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận tại hội trường sáng ngày 01/11
Nếu triển khai đúng ngay từ đầu thì sẽ không dẫn đến tình trạng từ thẩm quyền Nhà nước chuyển sang độc quyền cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sách giáo khoa và hệ lụy như bây giờ. Theo thống kê đầy đủ là 213.000 tỷ ngân sách nhà nước chi cho việc đổi mới sách giáo khoa cũng như khoảng 6.000 tỷ vốn xã hội hóa. Nhưng chúng ta quên rằng hàng ngàn tỷ, hàng năm của phụ huynh và dân phải bỏ ra để mua sách giáo khoa, nếu kéo dài tiếp tục như thế này thì hậu quả sẽ như thế nào cho nền kinh tế cũng như cho sức dân. Trong tất cả các báo cáo hay sử dụng một cụm từ đó là “sức chống chịu của nền kinh tế”. Thực tế sức chống chịu của nền kinh tế dựa vào sức dân, nếu thực thi chính sách cụ thể như thế này thì sức chống chịu của dân sẽ được bao lâu? Đề nghị Quốc hội khẩn trương xây dựng kế hoạch để thực hiện nghiêm Nghị quyết 88.
Kết luận phiên thảo luận ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Kiều Trang