Sáng 30/10/2023, theo chương trình kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung.
Trong phiên thảo luận buổi sáng, đã có 18 đại biểu đăng ký phát biểu và có 3 ý kiến tranh luận. Ông Nguyễn Công Long - ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tham gia phát biểu tranh luận ý kiến với Bà Nguyễn Thị Việt Nga - ĐBQH tỉnh Hải Dương với nội dung sau: phải xác định trách nhiệm trong thực hiện 3 chương trình này. Về xác định trách nhiệm cụ thể đại biểu cho rằng trong báo cáo và trong dự thảo nghị quyết đã nêu là xác định rõ trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây trước hết là thuộc về Chính phủ, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia mà chủ yếu là các bộ chủ quản, gồm có: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc xác định trách nhiệm của các bộ, của Chính phủ đã rõ, nhưng tôi cho rằng với một chương trình lớn như thế này, với các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau kết quả giám sát thì Quốc hội cũng không thể né tránh trách nhiệm.
Ông Nguyễn Công Long - ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận
tại hội trường sáng ngày 30/10
Tôi cho rằng, trước đồng bào và cử tri cả nước thì Quốc hội thẳng thắn nhận trách nhiệm, trong đó có cả vấn đề thiết kế các chương trình này. Suốt quá trình giám sát, đều thấy một câu hỏi được cử tri và các cấp chính quyền, các cấp tổ chức thực hiện đặt ra là các mục tiêu đặt ra như vậy thì tại sao không thiết kế vào cùng một chương trình để đảm bảo tính tổng thể và cách thiết kế, cách tiến hành để thực hiện chương trình đó? Tại sao lại không bố trí được khoa học hơn? Rõ ràng Chính phủ có trách nhiệm trong việc xây dựng, hoạch định thực hiện các chương trình. Mặc dù mục tiêu rất tốt đẹp nhưng thiết kế mà không ổn định, không khoa học thì dứt khoát quá trình tổ chức thực hiện không đạt hiệu quả như mong muốn. Đây cũng là một điều rút ra để thực hiện tốt chương trình sắp tới mà ý nghĩa hơn là nhằm hoàn thiện khi Quốc hội tiếp tục phải ban hành thực hiện các chính sách khác tương tự như thế này. Đây là điều nhân dân và ĐBQH mong muốn. Bởi vậy, trong dự thảo nghị quyết, mong rằng trong báo cáo sẽ chỉnh sửa theo hướng Quốc hội cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với việc hoạch định và xây dựng chính sách này.
Kết luận phiên thảo luận buổi sáng ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Long, đồng thời cũng nêu trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong việc thẩm tra, thiết kế, xây dựng mục tiêu chương trình trong hoạt động giám sát và sẽ có điều chỉnh phù hợp, báo cáo với Quốc hội cụ thể ở phiên giải trình tiếp theo.
Kiều Trang