Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ngày càng nhiều vụ việc chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng về thành phần theo đăng ký; Quy định rõ về cơ chế tài chính bên cạnh quy định khuyến khích nghiên cứu khoa học; Làm rõ tính đột phá trong thu hút nhân lực trình độ cao vào cơ q

Chiều ngày 07/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 07 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 03 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
 Lehoanghai06-5-25.jpg
ĐBQH Lê Hoàng Hải - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ĐBQH Lê Hoàng Hải - Đồng Nai nêu lên 04 vấn đề: Thứ nhất, về tên gọi của luật, qua việc xem văn bản hợp nhất, chúng ta có thể thấy số lượng quy phạm bị tác động rất nhiều so với dự kiến. Cụ thể, dự thảo luật đã bãi bỏ 34/72 điều, sửa đổi, bổ sung 28/72 điều và giữ lại 8/72 điều của luật hiện hành, chưa kể đã bổ sung thêm 15 điều mới. Vì vậy, đại biểu đề nghị lấy tên “Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi)” để phản ánh đúng bản chất và hình thức của dự thảo luật; Thứ hai, liên quan đến chính sách của Nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo luật đã sửa đổi toàn bộ Điều 6 để quy định về chính sách của Nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, trong dự thảo luật đã bổ sung thêm các điều như điều 6a, 7a, 7b, 7c và 7d. Trong đó, có những quy phạm về bản chất thể hiện chính sách của Nhà nước, cụ thể ở Điều 6a, khoản 4 Điều 7a, khoản 9 Điều 7b, khoản 4 Điều 7c và khoản 3 Điều 7d. Vì vậy, để đảm bảo tập trung thống nhất nên ghép các quy phạm này vào Điều 6 thể hiện cô đọng, ngắn gọn; Thứ ba, về thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng tại Điều 60 và nguyên tắc bồi thường tại Điều 59 của luật hiện hành. Đây là vấn đề cần đặt ra, có những trường hợp sữa hay thực phẩm chức năng giả được xác định vẫn là sữa hoặc thực phẩm chức năng nhưng không đảm bảo chất lượng về thành phần theo đăng ký. Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 60, để từ đó có cơ sở xác định thiệt hại và có căn cứ áp dụng nguyên tắc tại Điều 59; Thứ tư, về hiệu lực thi hành của luật. Hiện tại, dự thảo luật chưa có quy định về thời điểm hiệu lực thi hành. Đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành trong luật để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện các quy định.
- Đối với dự án luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đại biểu cho rằng dự án Luật đã thể chế hóa tương đối đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, chính thức hóa những cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn trong Nghị quyết 193 của Quốc hội để đưa thành các quy định ổn định và lâu dài trong luật. Những nội dung đổi mới mạnh mẽ và mang tính cách mạng này đã được thể hiện rất rõ trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Thứ nhất, về khái niệm hệ thống đổi mới sáng tạo tại khoản 23 Điều 3 dự thảo luật quy định “hệ thống đổi mới sáng tạo là tổng thể các chủ thể và mối liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu, các tổ chức trung gian nhà nước và người dân để thúc đẩy việc tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý nhằm nâng cao hiệu suất, giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống”. Trong thực tiễn, nhiều hoạt động nghiên cứu và công trình khoa học được nghiên cứu, sáng chế tại các cơ sở giáo dục cao đẳng nghề nghiệp, nơi có các hoạt động gắn với ứng dụng thực tiễn. Đề nghị không quy định cứng là cơ sở giáo dục đại học mà thay vào đó là cơ sở giáo dục. Đồng thời, thay viện nghiên cứu bằng cơ sở nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát hơn; Thứ hai, đề nghị bổ sung vào Điều 4 nguyên tắc mọi nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải bảo đảm nguyên tắc lấy con người làm trung tâm. Mọi công trình nghiên cứu đều phải đặt dưới sự giám sát, kiểm soát chủ động của con người để bảo đảm những nghiên cứu đổi mới sáng tạo có tính nhân văn và đóng góp hữu ích cho phát triển nhân loại; Thứ ba, về thúc đẩy hợp tác và chia sẻ trong nghiên cứu khoa học quy định tại Điều 31, cần khẳng định nghiên cứu khoa học là trí tuệ, đã là trí tuệ và chất xám thì không thể chỉ khuyến khích mà cần xác định cơ chế tài chính rõ ràng. Đề nghị quy định rõ về cơ chế tài chính bên cạnh quy định khuyến khích tại Điều 31 của dự thảo luật này.
- Đối với dự án luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Đại biểu cho rằng năng lượng nguyên tử là một lĩnh vực đặc thù, khoa học đặc biệt của nhân loại với những ưu việt nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất cao. Tuy nhiên, ở chính sách phát triển nguồn nhân lực tại dự thảo luật chưa thấy được những ưu đãi có tính đặc thù, đặc biệt để khuyến khích và bù đắp. Thứ nhất, về thu hút nhân lực trình độ cao, tại khoản 2 Điều 11 quy định “Nhà nước có chính sách ưu đãi thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên gia ở trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đạt loại giỏi trở lên vào làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử của Nhà nước”. Với quy định đó, chưa thể hiện tính đột phá trong thu hút nhân lực trình độ cao vào cơ quan quản lý nhà nước. Đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hiện nay, Chính phủ có Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và đối chiếu với dự thảo luật, chưa thấy được chính sách gì ưu việt hơn. Bởi Nghị định 140 đã bao hàm cả các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 11. Đề nghị cần có quy định chính sách cụ thể, đột phá và thiết thực hơn trong việc thu hút nhân lực loại giỏi trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào cống hiến cho phát triển năng lượng nguyên tử của đất nước. Thứ hai, về chế độ tiền lương phụ cấp, tại khoản 4 Điều 11 quy định “Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp đặc thù, người tham gia thực hiện phát triển điện hạt nhân thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước được hưởng phụ cấp lương”. Với chính sách như vậy, rất khó để thu hút nhân lực chất lượng cao, phụ cấp đặc thù chưa đáng kể so với trí tuệ, chất xám bỏ ra cho phát triển ngành năng lượng nguyên tử. Đề nghị nghiên cứu cơ chế, chính sách tương tự trong lĩnh vực xây dựng pháp luật để áp dụng cho thu hút nhân lực chất lượng cao trong phát triển năng lượng và nguyên tử.
 Ngconglong06-5-25.jpg
ĐBQH Nguyễn Công Long - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ĐBQH Nguyễn Công Long - Đồng Nai đánh giá cao cơ quan soạn thảo của Chính phủ đã quán triệt tinh thần của Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo và đã chuyển thể rất nhiều nội dung đáp ứng yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực được coi là động lực cơ bản chính cho phát triển của chúng ta hiện nay. Tại Điều 9 có quy định 3 trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự đối với những tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đổi, mới sáng tạo. Những vấn đề này cơ bản chỉ bao quát được 2 lĩnh vực. Đó là trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự. Đối với trách nhiệm dân sự, luật hiện hành và những quy định trong nội dung dự thảo mới chỉ giới hạn ở trách nhiệm, còn gây thiệt hại cho Nhà nước không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, những hoạt động đổi mới sáng tạo và các áp dụng khoa học công nghệ có thể có khả năng gây thiệt hại rất lớn cho công dân, cho tất cả các đối tượng khác trong xã hội. Đối với trách nhiệm dân sự, miễn trách nhiệm nếu gây thiệt hại cho Nhà nước là đúng nhưng gây thiệt cho dân thì phải có một người. Nếu miễn trách nhiệm cho người nghiên cứu thì phải có khoản đền bù và ai là người đứng ra để thực hiện trách nhiệm này, nếu trong trường hợp đó, ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm. 
Về Bộ luật Hình sự, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ sẽ thể hiện miễn trách nhiệm hình sự đối với hoạt động đổi mới sáng tạo như thế nào để làm cơ sở pháp lý, đảm bảo cho các hoạt động đổi mới sáng tạo có dư địa để phát triển và cũng không làm trở lực cho những người tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hoạt động này. Ngoài ra, tại Điều 19 về tạp chí khoa học, trong tiêu chí mục đích là xuất bản phẩm của tổ chức hoạt động nghiên cứu phát triển nhằm công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đề nghị cơ quan soạn thảo sẽ xem xét và tổng kết, đánh giá những vấn đề liên quan đến bất cập hiện nay trong các tổ chức hoạt động của các tạp chí khoa học. Xuất phát từ thực tiễn, tạp chí khoa học chỉ tập trung cho hoạt động diễn đàn cho các nhà khoa học công bố công kết quả nghiên cứu để làm căn cứ không chỉ cho khoa học mà còn cả pháp lý để xếp hạng, đánh giá được cả quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên hiện nay, các tạp chí khoa học lại dấn thân sang cả các hoạt động báo chí và có một đội ngũ cũng phóng viên, biên tập viên hoạt động như báo chí. Kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân ở địa phương phản ánh là bây giờ có phóng viên của tạp chí chuyên ngành đến tìm hiểu vấn đề về đấu thầu của doanh nghiệp thì có đúng mục đích không. Phải phân biệt được đâu là báo chí và đâu là hoạt động nghiên cứu khoa học. Quan điểm tạp chí khoa học chỉ là nơi để hoạt động nghiên cứu khoa học và để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, không nên là loại hình báo chí và hoạt động theo Luật Báo chí. Chúng ta đang thiếu những tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới để công bố những công trình trong khi thừa thãi những hệ thống báo chí không theo đúng yêu cầu đặt ra và không phù hợp với Nghị quyết 18 về thu gọn. Đề nghị sửa cơ bản Điều 19 của dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là tạp chí khoa học phải là một ấn bản được thực hiện theo Luật Xuất bản, phải đưa ra khỏi hệ thống hoạt động theo Luật Báo chí.
 Trinhxuanan06-5-25.jpg
ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ĐBQH Trịnh Xuân An - Đồng Nai cho rằng luật đã được thẩm tra, chuẩn bị với nội dung rất chu đáo và kỹ lưỡng, tại Điều 14 về nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đặc biệt, chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đặc biệt. Nhưng tại điểm b của khoản 1 đặt tiêu chí “đặc biệt”, tiêu chí này rất chung nên nếu căn cứ vào đây khó xác định thế nào là chương trình công nghệ, nhiệm vụ khoa học đặc biệt, đã là đặc biệt thì cái gì cũng phải rõ. Tại Điều 16 cho thấy cách viết của Điều 16 chưa đủ và đang được viết theo phong cách nghị quyết là “Nhà nước thúc đẩy”, “Nhà nước khuyến khích”, “Nhà nước đầu tư và xây dựng vận hành” trong khi chuyển đổi số có phạm vi rất rộng, nên cân nhắc chi tiết thêm về Điều 16, chi tiết thêm không có nghĩa viết quá cụ thể mà để đầy đủ hơn về nội hàm. Tại Điều 19 đồng tình phát biểu đồng chí Công long và đề nghị bỏ Điều 19 ra khỏi luật này vì nó là tạp chí khoa học công nghệ nhưng không liên quan gì đến khoa học công nghệ, mà trên thực tế đây chỉ là tạp chí khoa học, liên quan đến Luật Báo chí. Tại Điều 25 về xử lý tài sản, trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa công nghệ, đổi mới sáng tạo và sử dụng ngân sách nhà nước, điều này đã đạt được một cuộc cách mạng, tức là tài sản giao cho các đơn vị nghiên cứu không xác lập được sở hữu, đã xử lý được các vấn đề như chi phí bao nhiêu, khấu hao ra làm sao, quản lý thế nào khi tạo ra sản phẩm thử nghiệm. Khoản 1, khoản 2 của Điều 25 về giao tự động quyền quản lý đã viết rất rõ là giao cho cơ sở này được làm, được quyền sở hữu, được xác định giá trị. Điều 32 về ứng dụng khoa học công nghệ trong dự án đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội nằm trong Chương III về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đề nghị nên đổi tên Điều 32 là “Ứng dụng khoa học công nghệ trong dự án đầu tư”, dự án phải ứng dụng khoa công nghệ nhưng nội dung của điều này là: “Dự án đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho sử dụng nghiên cứu”. Tên điều và nội dung không khớp với nhau. Đề nghị phải làm rõ nội dung này.
Liên quan về chương IV về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế. Nghị quyết 57 có ghi khái niệm của thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế và quan trọng là phải cụ thể được luật này. Các điều ở chương IV được viết rất nguyên tắc và theo văn nghị quyết. Chẳng hạn như Điều 33 ghi “Nhà nước thúc đẩy tài trợ, khuyến khích”, “thúc đẩy”, “tạo điều kiện” chưa nói lên được nội dung cụ thể. Đề nghị đưa Điều 36 vào chính sách nếu không có gì rõ. Điều 37 và Điều 41, đề xuất có thể nghiên cứu mô hình chính sách hợp lý. Nếu đã là cơ sở khoa học công nghệ nòng cốt thì sẽ chia ra 2 loại: doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập mới có thể áp dụng được thuế, khấu trừ, và quỹ đối với doanh nghiệp. Với những cơ sở công lập như các viện, phải có chính sách khác theo các chủ thể để có chính sách đồng bộ và khoa học. 
Điều 65 của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đang chốt cứng doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, không nên bó ở một tỷ lệ cứng như vậy, Nghị quyết 57 không nói đến 5%. Cơ chế chi quỹ để phát triển khoa học công nghệ là cơ chế nhanh nhất, nên cho doanh nghiệp lựa chọn tỷ lệ miễn sao có lãi và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu vốn. Đề xuất nếu được thì có thể trích tối đa không quá 15%, quan trọng nhất phải cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu vốn, điều này có cả cơ sở thực tiễn pháp lý. Nghị quyết 57 cho phép qua cơ chế chi về quỹ, quỹ này rất quan trọng và chi rất nhanh. Điều 66 về chính sách hỗ trợ tín dụng. Đề nghị phải có cơ chế rất rõ, tín dụng không chỉ ở quỹ và chỉ có ngân hàng phát triển mà phải là các gói của ngân hàng, phải có sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và huy động các nguồn tài chính khác. Điều 67 về cơ chế mua sắm công, chính sách công, đề nghị nghiên cứu nội dung này, có thể thêm một mục nội dung về cơ chế đấu thầu, giao nhiệm vụ đặt hàng, mua sắm để có một cơ chế riêng rõ ràng.
- Đối với dự án Luật Năng lượng điện tử ĐBQH Trịnh Xuân An - Đồng Nai cho biết Luật Năng lượng điện tử hiện hành có nêu sự cố hạt nhân chia thành mấy cấp độ. Tuy nhiên, khi kích hoạt tình trạng khẩn cấp lại dẫn sang thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Nếu vượt quá phòng thủ cấp độ dân sự là độ 3 khi kích hoạt tình trạng khẩn cấp thì Ủy ban Khoa học, Công nghệ đề xuất phải phù hợp với luật khẩn cấp. Vì vậy cần phải có sự đầu tư thêm liên quan đến xử lý sự cố an toàn bức xạ hạt nhân. Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu thêm mô hình của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có thể quy định cụ thể hơn chỗ này. Bởi vì trong bức xạ nhân chia cấp độ rất rõ ràng. Đề nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ phải nghiên cứu kích hoạt các cấp độ khác nhau để ứng dụng các biện pháp khác nhau khi tình huống xảy ra.
Trọng Vũ

Các tin khác

thông tin kinh tế - xã hội

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​