Thực hiện Chương trình công tác của Ủy ban Kinh tế và Tài chính; để chuẩn bị nội dung trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xém xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Sáng ngày 14/04/2025 tại Nhà khách Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Cùng tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan; đơn vị : Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ khoa học và Công Nghệ, Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cùng lãnh đạo các Đoàn ĐBQH và thường trực HĐND các tỉnh và thành phố khu vực phía nam.
(Đồng chí Phạm Thúy Chinh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế và Tài chính phát biểu tại hội thảo)
Đồng chí Phạm Thúy Chinh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế và Tài chính chủ trì, điều hành phiên thảo luận. Tại buổi thảo luận các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, kiến nghị nhiều ý kiến tâm huyết xuất phát từ thực tiễn sinh động.
Luật THTK, CLP được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật, công tác THTK, CLP nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật THTK, CLP đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Qua tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, rà soát, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế nhất định, tập trung vào một số vấn đề lớn như sau:
Thứ nhất, các khái niệm "tiết kiệm", "lãng phí", "hành vi gây lãng phí" còn chưa rõ ràng, chưa bao quát hết các trường hợp, hành vi phát sinh trên thực tiễn.
Thứ hai, còn thiếu các quy định về chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa các trường hợp lãng phí có thể xảy ra. Chế tài xử lý đối với các trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực TK, CLP tại Luật THTK, CLP hiện hành đã dẫn chiếu đến các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật chuyên ngành. Theo đó, chưa có các quy định riêng về xử lý kỷ luật tương ứng với từng hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(Đại diện Bộ Nông Nghiệp và Môi trường phát biểu tại buổi thảo luận)
Thứ ba, Luật TK, CLP hiện hành chưa có quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai về tiết kiệm, chống lãng phí để kịp thời cập nhật thông tin về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cả nước cũng như làm cơ sở để Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, nhân dân thực hiện theo dõi, giám sát, kiểm tra phát hiện lãng phí.
Thứ tư, Luật TK, CLP hiện hành chưa có các quy định loại trừ trách nhiệm xử lý đối với một số trường hợp vì lý do khách quan có thể phát sinh hành vi gây lãng phí.
Qua kết quả nghiên cứu, rà soát nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành, theo đó nghiên cứu xây dựng dự án Luật tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính lập đề nghị xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).