Trước kỳ họp thứ 8- Quốc hội Khóa XV Cử tri thành phố Biên Hòa cho biết rất phấn khởi trước sự phát triển của đất nước, tuy nhiên đế phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cử tri kiến nghị với Quốc hội tiếp tục có các chính sách đầu tư cho các tỉnh phía Nam nhất là tỉnh Đồng Nai, như về hạ tầng giao thông và phát trỉển đô thị. Tỉnh Đồng Nai hiện nay đang xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và có nhiều tuyến Quốc lộ đi qua nên tình trạng tai nạn giao thông, kẹt xe thường xuyên xảy ra, vì vậy cần có chính sách giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Về nội dung kiến nghị trên ngày 28/03/2025, Bộ Xây dựng có văn bản số 1212/BXD-KHTC trả lời như sau:
Hình ảnh kẹt xe tại Đồng Nai
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai và các tỉnh trong vùng Đồng Nam Bộ để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các dự án động lực quan trọng, cấp bách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung để phục vụ kết nối giao thông sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác như: (i) đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; (ii) đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt liên kết vùng Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...
Theo quy định của Luật Đường bộ năm 2024 và văn bản hướng dẫn, các tuyến quốc lộ (trừ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh) sẽ được phân cấp cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư; theo đó, đối với các tuyến quốc lộ trên địa phận tỉnh Đồng Nai (các quốc lộ 20, 51, 56, 20B, 51C, 56B) sẽ thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng quốc lộ để bàn giao cho UBND tỉnh Đồng Nai quản lý. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ nhu cầu vận tải trên các đoạn tuyến quốc lộ để sắp xếp thứ tự ưu tiên và chủ động huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch được duyệt cũng như quản lý bảo trì nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Như vậy, khi các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm nêu trên hoàn thành theo đúng kế hoạch, cùng với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh do tỉnh Đồng Nai và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, sẽ tạo thành bộ khung kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, tăng cường liên kết vùng, phục vụ phát triển đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ nói chung.