Trước kỳ họp thứ 8- Quốc hội Khóa XV Cử tri Đồng Nai kiến nghị liên quan đến vấn đề dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam.
Về nội dung kiến nghị trên ngày 07/01/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 113/NHNN-VP trả lời như sau:
Theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động cấp tín dụng; việc cấp tín dụng vào ngành, lĩnh vực nào và tỷ lệ bao nhiêu thuộc thẩm quyền của TCTD trên cơ sở xem xét, thẩm định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn, khả năng trả nợ khách hàng và nguồn vốn huy động của TCTD. Hiện nay, nguồn vốn huy động của các TCTD tại Việt Nam chủ yếu là vốn ngắn hạn (chiếm khoảng 80%) nên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (lĩnh vực cần vốn trung, dài hạn) các TCTD phải cân đối để đảm bảo khả năng thanh khoản và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.
Hội nghị tín dụng bất động sản được tổ chức trực tuyến
NHNN không có quy định cấm cho vay bất động sản (BĐS), hiện nay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế và duy trì ổn định trong những năm qua. Tín dụng vào lĩnh vực BĐS cũng tăng khá nhanh trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay và thường cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (trong đó có các doanh nghiệp BĐS), cụ thể: (i) NHNN thường xuyên rà soát, ban hành các văn bản quy định liên quan nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng; (ii) Ban hành Thông tư quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, trong đó có cả doanh nghiệp BĐS và người mua nhà; (iii) Chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay,...
Hiện nay tiêu chuẩn Basel không đặt ra quy định về tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS/tổng dư nợ chuẩn. Việc doanh nghiệp vay được vốn hay không còn phụ thuộc vào tính khả thi của phương án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng chỉ là một trong những kênh vốn đầu tư vào thị trường BĐS (bên cạnh vốn tự có của nhà đầu tư và các kênh huy động khác từ thị trường vốn, FDI, vốn Nhà nước,...).