"Cử tri thành phố Biên Hòa cho biết các tuyến đường được gắn camera an ninh rất hiệu quả, cần phát huy để truy bắt, điều tra tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an không quy định Nhân dân được giám sát bằng camera ghi âm, ghi hình, theo cử tri như vậy thì không có bằng chứng để phản ánh những sai phạm khi thi hành công vụ của lực lượng công an. Đề nghị xem xét lại quy định trên".
Với nội dung kiến trên ngày 25/12/2024, Bộ Công an có văn bản số 4644/BCA-V01 trả lời Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, như sau:
Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, theo đó việc giám sát của nhân dân đối với lực lượng thực thi công vụ vẫn được thực hiện một cách đầy đủ, bảo đảm khách quan. Tuy nhiên việc thực hiện giám sát của người dân phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Công an tỉnh Đồng Nai ra quân tấn công, trấn áp tội phạm
“Cử tri huyện Trảng Bom, thành phố Biên Hòa, Long Khánh phản ánh hiện nay các đối tượng tội phạm công nghệ cao, cho vay tín dụng đen và đòi nợ thuê hoạt động rất tinh vi, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa mất nhiều tiền bạc. Cử tri kiến nghị Bộ Công an cần đề ra nhiều biện pháp, phương án linh hoạt, tổ chức đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, chiến sẽ công an, các chuyên gia trong lĩnh vực này để vấn đề an ninh mạng được kiểm soát hiệu quả hơn trong thời gian tới (có thể cử cán bộ chiến sĩ công an đi học tập và đào tạo tại nước ngoài) "
Với nội dung kiến trên ngày 20/12/2024, Bộ Công an có văn bản số 4552/BCA-V01 trả lời Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, như sau:
Những năm trước đây, trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen", Bộ Công an đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này như: Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen"; Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen", trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài ngành Công an xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong cảnh báo, nhận diện sớm, điều tra, xử lý kịp thời tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen" trên không gian mạng. Thường xuyên quan tâm, chú trọng việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao từ Bộ đến địa phương; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ, tận dụng triệt để nguồn lực đào tạo về tài chính, cơ sở vật chất, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc của các đối tác trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; nhất là, việc cử cán bộ, chiến sĩ đi học tập, đào tạo tại nước ngoài, tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế. Tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm này trên mạng internet, mạng xã hội. Lực lượng Công an các cấp đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm (Năm 2024, phát hiện, xử lý hơn 1.250 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen ", trong đó hơn 1.100 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự); riêng trong thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm “tín dụng đen" (từ ngày 15/9/2023 đến 14/3/2024) đã phát hiện, xử lý hơn 790 vụ liên quan hoạt động “tín dụng đen ").
Nhìn tổng thể chung, các biện pháp quyết liệt của lực lượng Công an và các ngành trong những năm qua đã góp phần từng bước đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen", nhất là nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan " tín dụng đen" như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, “khủng bố" tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin, gọi điện đe dọa... đã giảm nhiều, không còn công khai, manh động như trước. Tuy nhiên, do tác động những vấn đề về kinh tế - xã hội, thời gian tới, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen", nhất là trên không gian mạng dự báo vẫn diễn ra phức tạp ở một số nơi, biến tướng dưới các hình thức khác nhau như cử tri phản ánh.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đên “tín dụng đen" trên không gian mạng, Bộ Công an tiêp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với loại tội phạm này, đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, cử cán bộ, chiến sĩ đi học tập, đào tạo tại nước ngoài và tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng.
Bộ Công an đề nghị và mong muốn cử tri, Nhân dân tích cực, chủ động tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen", nhất là trên không gian mạng; đồng thời, tiếp tục có phản hồi, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này thời gian tới.