Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Dịch Covid-19 tác động đến tâm lý đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh

 

​Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 lần thứ 4 đang xảy ra tại Việt Nam dẫn đến cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất kinh doanh của các tầng lớp trong xã hội gặp nhiều khó khăn trở ngại phức tạp. Mới đây ngày 15/9/2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có báo cáo số 132/BC-UBVHGD15, trong đó đánh giá rất rõ về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tâm lý đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh. Cụ thể:

- Đối với đội ngũ nhà giáo

Ngay từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đã và đang tác động tiêu cực đến các lĩnh vực nhất là giáo dục và đào tạo. Dịch covid -19 đã tác động đến tâm lý của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo cơ bản yên tâm công tác, chủ động, tích cực ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện, nhất là với giáo viên lớn tuổi, ở vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học: Trực tuyến qua các hệ thống phần mềm, qua truyền hình, giao bài qua các ứng dụng zalo, mail, giao bài trực tiếp,... tạo nhiều áp lực cho giáo viên; việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động học tập của học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số giáo viên dạy hợp đồng theo buổi, theo tiết trong các cơ sở giáo dục công lập và bộ phận không nhỏ giáo viên các trường ngoài công lập có tâm lý lo lắng khi phải nghỉ dạy, không có thu nhập.

- Đối với học sinh, sinh viên

Việc phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh dẫn tới một bộ phận học sinh, sinh viên có dấu hiệu bê trễ trong học tập. Đối với trẻ mầm non, mẫu giáo, đầu cấp tiểu học phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nề nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Một số trẻ con gia đình nghèo, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ là con công nhân mất việc làm,.. có nguy cơ chậm phát triển.

Đối với học sinh cuối cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, học qua truyền hình có tác động tích cực đến việc duy trì thói quen học tập, khiến các em linh hoạt, chủ động học tập hơn song nề nếp, ý thức học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao, chất lượng học tập theo hình thức học trực tuyến bị hạn chế, không đảm bảo sự bình đẳng do điều kiện về cơ sở vật chất của địa phương, nhà trường, hoàn cảnh gia đình của học sinh khác nhau. Một bộ phận học sinh rất lo lắng cho việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chuyển cấp, thi tuyển sinh đại học. Nhiều kế hoạch về tương lai, lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề lao động bị thay đổi, tác động tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của học sinh, sinh viên. Nguy cơ và tỉ lệ bỏ học, không trở lại trường học khi hết dịch của nhiều học sinh ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa tăng.

- Đối với cha mẹ học sinh

Hầu hết cha mẹ học sinh sẵn sàng, tích cực phối hợp với nhà trường, tham gia các buổi hướng dẫn trực tuyến cùng con, thực hành với con; tham gia đóng góp công sức và kinh phí để khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp... phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà chưa được các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện. 41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện đế mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập. Nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng khi cho con em nhập học trở lại tại các trường học được trưng tập làm cơ sở cách ly.

tre em 21-9-2021.jpg 
 Học sinh, sinh viên học trực tuyến

Công tác chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh được tăng cường. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo trong phòng,chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Trước thực tế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch hành động (Kế hoạch số 51/KH-BGDĐT ngày 31/01/2020), thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; xây dựng nguồn học liệu phù hợp với phương thức dạy học trên phương tiện phát thanh, truyền hình. Chủ động đề xuất, kiến nghị cơ quan có thấm quyền, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an toàn cho các cơ sở giáo dục; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm thực hiện dạy học trực tuyến với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Đồng thời, phối hợp các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát, tăng cường quản lý chặt chẽ, ổn định các nguồn thu và thực hiện chính sách miễn giảm học phí để chia sẻ gánh nặng với người học.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​