Ngày 19/7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 4894/BKHĐT-TH về trả lời kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Công văn nêu việc đầu tư các dự án ngành giao thông vận tải theo phương thức đối tác công tư (PPP) góp phần thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước tham gia dự án. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc đầu tư theo phương thức PPP còn một số bất cập, trong đó, việc huy động vốn tín dụng dài hạn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp. Do đó, việc nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cần thiết.
Luật Đất đai (Điều 155) quy định đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh và các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh. Đối với đất thuộc khu chức năng không có mục đích kinh doanh thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54; có mục đích kinh doanh thì Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại Điều 56 của Luật này.

Sơ đồ cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu
Trong trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, công trình kết cấu hạ tầng lớn như đường cao tốc được xác định là có mục đích công cộng đồng thời có mục đích kinh doanh (thu phí) nên thuộc diện Nhà nước cho thuê đất theo pháp luật về đất đai.
Để xử lý vấn đề nêu trên, liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng dự án đầu tư theo phương thức PPP được Nhà nước giao đất, cho thuê đất tùy thuộc tính chất tài sản hình thành từ dự án và diện tích sử dụng đất (giao đất không thu tiền đối với dự án giao thông, giao đất có thu tiền thuê đất đối với dự án có tài sản gắn liền với đất như nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải, rác thải...).
Kim Thoa