Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Nai gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

 

​Cử tri kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét, bổ sung chế độ, chính sách bảo biểm y tế đối với người có công với cách mạng khi khám chữa bệnh không phân biệt tuyến trên và tuyến dưới và kiến nghị khi những đối tượng này qua đời sẽ được nhà nước miễn phí tiền hỏa táng.

*Về nội dung trên, công văn số 102/BYT-VPB1 ngày 08/01/2020 của Bộ Y tế trả lời như sau:

Hiện tại chính sách bảo hiểm y tế đang thực hiện việc “thông tuyến” khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt là chính sách “thông tuyến” khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở các xã đặc biệt khó khăn, xã đảo huyện đảo thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến Tỉnh và Trung ương mà không cần giấy giới thiệu.

Từ ngày 01/01/2016, tất cả các đối tượng (bao gồm cả người có công với cách mạng) sẽ được hưởng chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và từ ngày 01/01/2021 sẽ được hưởng chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến Tỉnh, mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Như vậy, khi thực hiện chính sách thông tuyến, người có thẻ bảo hiểm y tế nói chung, người có công với cách mạng nói riêng khi đi khám bệnh, chữa bệnh sẽ không cần giấy chuyển tuyến trong phạm vi tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có các giải pháp về chất lượng thuốc được cấp phát cho bệnh nhân hưởng bảo hiểm y tế để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh của người dân.

*Về nội dung trên, công văn số 102/BYT-VPB1 ngày 08/01/2020 của Bộ Y tế trả lời như sau:

Theo quy định của Luật dược, Luật đấu thầu, tất cả các thuốc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng và cấp phát cho người bệnh (kể cả bệnh nhân tham gia và không tham gia bảo hiểm y tế) đều phải được Bộ Y tế đánh giá về an toàn, hiệu quả trước khi cấp phép lưu hành trên thị trường, phải được mua sắm công khai thông qua đấu thầu. Vì vậy, không có sự khác biệt về chất lượng thuốc cấp phát cho bệnh nhân tham gia và không tham gia bảo hiểm y tế.

Để tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp:

- Đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để đảm bảo chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.

- Kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT, đảm bảo chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

- Triển khai kiểm tra việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất nước ngoài (Ấn Độ, Hàn Quốc).

- Kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, các cơ quan quản lý dược.

- Triển khai xây dựng và thực hiện Đề án quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế; Đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng nhằm xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng và tránh lãng phí chi phí kiểm nghiệm.

Cử tri kiến nghị nên bổ sung thêm một số bệnh vào Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học của Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 20/6/2016 của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Vì hiện nay, có rất nhỉều người tham gia kháng chiến hoặc con của họ đang bị một số bệnh liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học nhưng chưa được quy định trong danh mục, điều đó sẽ gây thiệt thòi cho họ trong việc giám định và điều trị bệnh.

*Về nội dung trên, công văn số 102/BYT-VPB1 ngày 08/01/2020 của Bộ Y tế trả lời như sau:

Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH về Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Tại Điều 7 của Thông tư nêu trên đã quy định rõ danh mục 17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Phụ lục 2 Thông tư này quy định 31 nhóm tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học.

Danh mục nêu trên đã được các nhà khoa học của Bộ Y tế nghiên cứu kỹ, trên cơ sở thu thập những bằng chứng khoa học và thực tiễn ở Việt Nam để xây dựng. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục giao các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, xem xét và bổ sung danh mục bệnh, tật, dị tật, dị dạng có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin để Bộ Y tế xem xét quyết định.

​Kiều Trang

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​