Chiều ngày 15/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 10 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 04 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang - Đồng Nai nhấn mạnh Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có một đặc thù là ngoài việc điều chỉnh mang tính chính quy, luật hóa cũng khẳng định sự cam kết mạnh mẽ, vị thế và cả khả năng của Đảng và Nhà nước ta trong đóng góp các hoạt động của Liên hợp quốc, đặc biệt trong hoạt động đặc thù, khó khăn là gìn giữ hòa bình. Nếu thông qua luật này, Liên hợp quốc và các nước sẽ đánh giá Việt Nam ở vị thế khác được nâng lên hơn.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều cử các lực lượng đi tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình chỉ có 2 hình thức, một là hình thức đơn vị, hai là hình thức cá nhân. Bộ Quốc phòng vừa có hình thức đơn vị, vừa có hình thức cá nhân, như Phái bộ Nam Sudan, Phái bộ UNISFA của Abyei, Phái bộ MINUSCA của Cộng hòa Trung Phi và một số Phái bộ của Liên minh châu Âu ở Trung Phi, bệnh viện dã chiến cấp 2. Bộ Công an đến nay đã cử 6 tổ công tác mang hình thức cá nhân với 16 đồng chí tham gia lực lượng cảnh sát gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và được đánh giá rất cao trong đó có một đồng chí đã thi tuyển và đỗ, hiện nay đang là trợ lý của Chỉ huy trưởng Cảnh Sát tại Liên hợp quốc. Sắp tới, Bộ Công an sẽ cử hình thức đơn vị đi tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cũng đang huấn luyện và được Liên hợp quốc khảo sát, đánh giá, kiểm tra lên cấp độ sẵn sàng cấp 2. Như vậy Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã tham gia rất tích cực, có hiệu quả ở mặt thực tiễn và được đánh giá rất cao. Dự án luật này đã điều chỉnh, hoàn thiện những bất cập của Nghị định 130 về quy trình, về xử lý các tình huống khẩn cấp, rút quân v.v.
Bên cạnh đó, hình thức dân sự chỉ có hình thức cá nhân, không thể có hình thức đơn vị, có một số đại biểu băn khoăn điểm này, nên mở rộng để tới đây dân sự sẽ tham gia vì rất nhiều nước đều cử đối tượng tham gia dân sự tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Hiện nay, lực lượng này ngày càng đóng góp nhiều hơn về số lượng, về hiệu quả và dự án luật này đã hoàn thiện hơn về chế độ, chính sách. Các đồng chí được cử tham gia huấn luyện phải sống trong môi trường độc lập, rất khắc nghiệt và phải biết làm mọi việc thậm chí đối diện với rủi ro, nguy hiểm rất cao. Trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh sửa và đi khảo sát trực tiếp nên đến nay dự án luật rất hoàn chỉnh và có thể thông qua trong một kỳ họp, để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Công Long - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với Dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân ĐBQH Nguyễn Công Long - Đồng Nai đồng tình cao với việc cần thiết ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị nhằm tạo ra cú hích, đột phá để phát triển kinh tế tư nhân và thực sự coi đây là nền tảng động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Để cụ thể hóa những nội dung này, dự thảo Nghị quyết đưa ra 5 chính sách gồm: Thứ nhất, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có các quy định về thanh tra, kiểm tra và nguyên tắc xử lý vi phạm đặt ra nhiều nguyên tắc. Thứ hai, hỗ trợ tiếp cận về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Thứ ba, hỗ trợ tài chính tín dụng và mua sắm công. Thứ tư, hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực. Thứ năm, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn với doanh nghiệp tiên phong. Để đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết đặt ra các giải pháp tại Chương VI gồm hai nội dung chính sách: Thứ nhất, đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định đấu thầu, thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Thứ hai, hỗ trợ hình thành, phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập trung tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Tại khoản 1 Điều 10 dự thảo, nội dung này thu hẹp lại phạm vi bằng cách chỉ đặt hàng hoặc chỉ định nhất định, đây là vấn đề cần cân nhắc, không nên giới hạn phạm vi, có rất nhiều lĩnh vực mà kinh nghiệm của cả thế giới cho rằng thu hút doanh nghiệp tư nhân vào đây còn rất mạnh. Dự án quan trọng quốc gia yêu cầu về đảm bảo quốc phòng, an ninh có thể giao cho các doanh nghiệp tư nhân. Nếu mạnh dạn đặt hàng, chúng ta sẽ định hướng được sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất có hệ thống và đảm bảo ổn định, điều này không chỉ đảm bảo kích thích sản xuất, đảm bảo thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước mà còn là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tính ổn định khi chiến tranh hoặc các tình huống có thể xảy ra. Nên mở rộng để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào nghiệp vụ quốc phòng an ninh trong tình huống phát sinh, đảm bảo đáp ứng tốt hơn, tránh bị động.
Tại khoản 1 Điều 3 định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như thế này là chưa đủ, chưa phản chiếu hết. Đề nghị cơ quan soạn thảo rất cân nhắc những nội dung này vì chưa bao hàm hết tất cả các trường hợp, đồng thời đối chiếu tất cả những quy định để doanh nghiệp được coi là khởi nghiệp sáng tạo phải bao hàm tất cả các công đoạn, các phạm vi tham gia, không chỉ giới hạn ở tăng trưởng rủi ro và tạo giá trị. Chương II quy định về cải thiện môi trường, quy định về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, nội dung này vẫn mang tính chất văn bản chưa đảm bảo tính quy phạm. Đối với các trách nhiệm nếu quy định như này sẽ dẫn tới sự chồng chéo.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ và rà soát kỹ hơn Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chính sách, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (Điều 8); Về một số cơ chế, chính sách để xây dựng và thực thi pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bám sát Nghị quyết 66 và chỉ có một số chủ thể thể chế hóa ở phạm vi tương đối hẹp theo Nghị quyết này. Đại biểu đề nghị riêng chế độ áp dụng 100% mức lương hiện hưởng nên xác định phạm vi hẹp lại đúng theo Nghị quyết, các đối tượng tham gia vào công tác xây dựng có vai trò rất quan trọng, hoàn toàn xứng đáng được hưởng. Nghị quyết 66 còn có hai quy chế, một là những đối tượng trực tiếp tham gia, một số đối tượng thì được hưởng 100%, ngoài ra các đối tượng thực hiện khoán chi đối với các hoạt động khác. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ và phân định rõ 2 nguồn và 2 chính sách cho đối tượng hưởng thường xuyên và đối tượng hưởng theo đầu dự án luật để đảm bảo được sự minh bạch, công bằng. Đây là một Nghị quyết của Quốc hội nên với yêu cầu đó và về kỹ thuật lập pháp, đề nghị bỏ tất cả phần phụ lục trong Nghị quyết, quy định phải giao cho Thường vụ của Quốc hội quy định, ví dụ các chế độ, chính sách áp dụng đối với Quốc hội thì Thường vụ Quốc hội quy định, các mức chi, các đối tượng khác giao Chính phủ quy định.

ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với Dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân ĐBQH Trịnh Xuân An - Đồng Nai: Nghị quyết này phải phân biệt rõ kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân, khu vực công và khu vực tư. Xác định rõ đối tượng áp dụng để áp dụng những chế độ đặc thù, đặc cách đối với đối tượng cụ thể, dự thảo quy định “doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh” đã rõ nhưng đối với doanh nghiệp FDI có phải kinh tế tư nhân không, kinh tế tư nhân không phải kinh tế Nhà nước? Nghị quyết này áp dụng đối với các doanh nghiệp thì tiêu chí xác định thế nào là doanh nghiệp rất khó.
Điều 4 về việc thanh tra, kiểm tra cấp phép, đề nghị phải làm rõ thanh tra trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng hay khi có dấu hiệu là rất khác nhau. Khoản 7 Điều 4 quy định “doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật”, định tính thế nào là tuân thủ tốt nên phải làm rõ. Khoản 11 Điều 4 đề nghị tách ra một điều riêng về cơ chế, điều kiện thông tin, tiếp cận thông tin, truyền thông, vai trò báo chí đối với doanh nghiệp. Khoản 5 Điều 5 quy định đối với “việc thông tin, tài liệu, chứng cứ chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi phạm pháp luật thì phải sớm kết luận”, như thế nào là sớm nên có quy định cụ thể. Điều 9 hỗ trợ tín dụng, đây là một trong những chính sách kết hợp giữa tài khóa và tiền tệ, phải làm rõ nguồn nào để bảo đảm ngân sách, nếu viết chung chung như này rất khó, đề nghị điều chỉnh nội dung “bảo đảm 2% này phải là ngân sách”. Đề nghị cân nhắc nội dung tại Điều 13 bố trí ngân sách nhà nước để triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 cán bộ, tại sao phải ngân sách nhà nước, nên quy định chung trong đó có cả ngân sách nhà nước, có doanh nghiệp, có xã hội hóa, không phải bố trí ngân sách nước để làm nội dung này. Đại biểu đồng tình với việc hình thành các doanh nghiệp tiên phong, các doanh nghiệp lớn và tham gia của các doanh nghiệp khối tư vào các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực quốc phòng, an ninh (tập đoàn như Vietnam Airline, tập đoàn viễn thông quốc gia VNPT).
Khoản 4, đề nghị mục chi nào Quốc hội phải quyết định mang tính đặc thù còn không giao Chính phủ theo nguyên tắc “đúng, đủ, công khai, minh bạch, không có lợi ích”, đề nghị phải bỏ điểm e khoản 1 không nên để cụ thể chi cho một Bộ nào trong hoạt động chung. Đề nghị bỏ nội dung khoản 5 Điều 4 chi thường xuyên, chi đầu tư phải do Chính phủ quy định và áp dụng tiêu chí, không phải chỉ mỗi nghiên cứu chiến lược chi đầu tư. Đề nghị phải rà soát lại những nội dung chi cho phù hợp tại Điều 6 theo đúng tinh thần của Nghị định 66 quỹ để chi cho hoạt động nâng cao chất lượng, hoạt động xây dựng chính sách, không chi cho hoạt động thường xuyên. Liên quan đến phần khoán chi và các phí khác, phải chi theo chức năng, nhiệm vụ, không phải chi chỉ mỗi tên.
ĐBQH Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ĐBQH Bùi Xuân Thống - Đồng Nai: cho rằng phải tính công bằng và xác định đúng đối tượng, thực tế văn phòng có 2 phòng phục vụ chủ yếu, một là Phòng Công tác Hội đồng nhân dân phục vụ cho đại biểu Hội đồng nhân dân, xây dựng tất cả các văn bản, chính sách pháp luật của địa phương; phòng Công tác Quốc hội trực tiếp phục vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ có Phòng Công tác Quốc hội tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội và bên Hội đồng nhân dân là Ban Pháp chế, ngay trong nội bộ của văn phòng đã có sự không công bằng. Đề nghị cân nhắc đối tượng để làm sao trong cùng một cơ quan, các phòng không có sự so sánh, so bì về chính sách dẫn đến khó khăn trong điều hành quản lý trong bối cảnh các địa phương sáp nhập tới đây.