Chiều ngày 16/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2023. Sau đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận.
Toàn cảnh phiên họp
- Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội ĐBQH Lê Hoàng Hải - Đồng Nai bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo số 328/BC-UBPLTP15.
+ Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (Khoản 2 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 của Nội quy kỳ họp Quốc hội) việc quy định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chỉ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội tại Nội quy kỳ họp Quốc hội là chưa bao quát các cơ quan của Quốc hội, đây mới là những chủ thể phải tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hoạt động trong điều kiện thời gian diễn ra kỳ họp rất ngắn như họp trực tuyến; trực tuyến kết hợp họp tập trung trực tiếp; hoặc thực hiện biểu quyết, lấy ý kiến thành viên qua App… Đề nghị nên chuyển quy định này đặt tại điều khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và bao quát hơn. Ngoài ra, đề nghị bỏ cụm từ “trí tuệ nhân tạo” vì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì đã bao gồm ứng dụng các công nghệ số chiến lược như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, thực tế ảo… và nhiều nội dung khác.
ĐBQH Lê Hoàng Hải - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Mặt khác, có chuyển toàn bộ nội dung lên Điều 2 quy định về vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì kỳ họp Quốc hội, trong đó bổ sung quy định vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thúc đẩy “ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp Quốc hội; thúc đẩy đại biểu Quốc hội thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân về hoạt động của đại biểu và Quốc hội tại kỳ họp trên môi trường điện tử”. Đồng thời, nên chuyển khoản 3 Điều 1 về quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp không thường lệ về Điều 2 để bảo đảm thống nhất vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chủ trì kỳ họp Quốc hội, trong đó có cả việc hướng dẫn tổ chức kỳ họp không thường lệ.
+ Về chương trình kỳ họp Quốc hội tại khoản 2 Điều 6, cách thể hiện như dự thảo chưa mạch lạc vì các tiêu chí ưu tiên không đồng dạng. Tại Nội quy hiện hành đưa ra 03 thứ tự ưu tiên: thứ nhất là nội dung trình thông qua sẽ được bố trí trước nội dung trình Quốc hội cho ý kiến; thứ hai là nội dung thảo luận kinh tế-xã hội xếp trước nội dung chất vấn; thứ ba là các nội dung có liên quan đến nhau thì sắp xếp thảo luận gần nhau. Tức là đối tượng để ưu tiên là nội dung. Nhưng dự thảo Nghị quyết thì đang thể hiện lẫn lộn giữa nội dung với thời gian. Để mạch lạc thì nên thiết kế khoản 2 thành các điểm a, b, c cho các ưu tiên để thuận tiện theo dõi.
+ Về thông tin về kỳ họp Quốc hội, tại khoản 5 Điều 9 quy định “5. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện đăng tải hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định tài liệu khác phục vụ kỳ họp Quốc hội được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.”
Đề nghị bỏ từ “dự thảo” để bảo đảm thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, theo đó không còn dùng “hồ sơ dự thảo nghị quyết” nữa mà là “hồ sơ dự án nghị quyết”; Đề nghị điều chỉnh lại nội dung ngắn gọn và rõ nghĩa hơn: “Văn phòng Quốc hội đăng tải hồ sơ dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quyết định đăng tải tài liệu khác của kỳ họp Quốc hội trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội”.
+ Về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp Quốc hội (Điều 15 của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành). Dự thảo Nghị quyết thay thế cụm từ “Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp” bằng cụm từ “Đoàn Chủ tịch”. Đề nghị không sửa đổi nội dung vì Nội quy kỳ họp Quốc hội là hướng dẫn Luật Tổ chức Quốc hội về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội. Trong khi Luật Tổ chức Quốc hội không hề có chức danh hay tổ chức nào là “Đoàn Chủ tịch”. Việc Nội quy kỳ họp bổ sung một chủ thể khác với Luật là không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không đúng tinh thần của Điều 72 Hiến pháp năm 2013 là “Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội”; “Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội” như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã phân tích.