Chiều ngày 12/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 11 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 04 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
ĐBQH Nguyễn Công Long - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ĐBQH Nguyễn Công Long - Đồng Nai: Thứ nhất, về thẩm quyền của các Tòa chuyên trách, đây chính là sự cụ thể hóa nội dung quy định của Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định thành lập thêm các Tòa chuyên trách của Tòa sơ thẩm khu vực. Thứ hai, khi sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án, liên quan đến vấn đề xây dựng mô hình tổ chức tòa án phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, và yêu cầu công việc đặt ra. Xuất phát từ đặc điểm, hệ thống tổ chức vụ án chỉ xoay quanh làm sao để giải quyết hiệu quả vấn đề xem xét các đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, khối lượng, số lượng vụ việc tồn đọng rất lớn và luôn luôn là nỗi trăn trở, Quốc hội hàng năm đều yêu cầu về vấn đề này. Khi thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án, đã nêu phương án giao Ủy ban Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm không, các ý kiến đã phân tích phương án này sẽ giải quyết, đảm bảo đỡ một số lượng rất lớn và không đẩy đơn lên Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao nhưng sẽ phát sinh vấn đề quyết định giám đốc thẩm tiếp tục bị giám đốc thẩm, trường hợp này vẫn đẩy lên và gây chồng chéo. Nếu mạnh dạn xem xét các phương án mà chúng ta giao cho Hội đồng Ủy ban Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, như vậy sẽ giải quyết một phần.
Trong bối cảnh tình hình mới, hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức của tòa án đã có bước trưởng thành rất quan trọng, năng lực trình độ cũng nâng lên. Nếu Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã giám đốc thẩm bản án có hiệu lực của chính tòa án đó nhưng tiếp tục bị giám đốc thẩm thì thế nào. Quyết định giám đốc thẩm có thể bị xem xét lại, phát hiện có vấn đề thì được kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng cấp giám đốc thẩm ở trên không nên lấy vụ đó để giải quyết mà sau khi giám đốc thẩm xong phải giao cho chính Ủy ban Thẩm phán xét xử, xem xét lại, như vậy vừa phát huy được vai trò của chủ thể, vừa tránh dồn việc lên trên, phương án này được hay không? Đề xuất này có căn cứ, trường hợp phúc thẩm cũng vậy, Tòa án phúc thẩm của tòa bị tòa trên kháng nghị hủy phúc thẩm giao lại cho chính Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại, tòa trên không lấy lên để xét xử. Trường hợp này cũng vậy, nếu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thẩm phán, dù cấp trên kháng nghị nhưng vẫn giao lại và chỉ rõ những sai lầm để thực hiện lại. Vì vậy, sửa đổi khoản 5, khoản 6 Điều 341 và các điều liên quan đến thẩm quyền giám đốc thẩm Điều 337, đề nghị cân nhắc phương án này. Ủy ban chuyên môn giúp Quốc hội rất trăn trở vấn đề này, làm sao để tìm ra phương án. Nếu chính quyền Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, trong một số trường hợp, Ủy ban cấp tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ của cấp xã, phương án và cách tư duy này không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hệ thống tố tụng cũng vậy, nên cân nhắc Tòa án cấp trên chỉ ra những sai lầm trong việc áp dụng pháp luật và thực hiện trình tự tố tụng rồi kháng nghị và giao lại cho chính cấp ấy xét xử lại để không phải lên cấp trên.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng rất nhiều luật nhưng do chưa có nền tảng nhất định nên khi cần luật hóa tất cả lĩnh vực, điều chỉnh quan hệ xã hội, dù có tiếp thu, học hỏi nhưng có nhiều luật trước đây như Luật Giao dịch điện tử là luật dịch nên có nhiều nội dung, quy định rất khó hiểu. Thứ hai, cách hành văn trong đó không phải của Việt Nam nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, phải Việt hóa theo cách hành văn vì nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp với văn phong của Việt Nam. Về các nội dung cụ thể, ví dụ như áp dụng mức phạt hành chính 1% - 5% doanh thu năm liền kề trước của tổ chức doanh nghiệp vi phạm. Doanh thu của các đơn vị như Viettel hoặc FPT rất khủng và nếu tính doanh thu, có tính khả thi không, đề nghị cân nhắc. Điều 5 áp dụng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định cụ thể như sau: “Một, hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định luật này và quy định pháp luật có liên quan; trường hợp Nghị quyết ban hành có hiệu lực các quy định có liên quan bảo vệ công dân không trái với nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định của luật này thì áp dụng quy định của luật này”.
Luật An ninh mạng định nghĩa “không gian mạng” là mạng lưới kết nối của hệ thống công nghệ thông tin, nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thế giới mạng là thế giới ảo, có một xã hội ảo nhưng tất cả các hành vi vi phạm đều là thật và đều có tác động rất lớn, tác hại rất nghiêm trọng đến mọi khách thể cần bảo vệ của Nhà nước. Luật này phải thống nhất với những luật đã ban hành và xác định phạm vi bảo vệ không chỉ trên các lãnh thổ về mặt vật lý mà bao gồm cả không gian mạng. Do đó, đề nghị ngoài hiệu lực, ngoài phạm vi trên yếu tố về lãnh thổ, nên xác định toàn bộ không gian mạng phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của các luật nói chung và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nói riêng để thống nhất với hệ thống pháp luật và đảm bảo khả năng, biện pháp bảo vệ, phòng vệ cũng như xử lý tất cả các hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực dữ liệu cá nhân và các dữ liệu khác liên quan đến hệ thống mạng cho phù hợp và thống nhất.
- Đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý - Đồng Nai: Điều 4 quy định về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có 2 khoản, khoản 1 quy định cơ quan tổ chức, cá nhân vi phạm bảo vệ về dữ liệu cá nhân, để đảm bảo đề nghị bổ sung thêm các quy định hướng dẫn về việc phân loại mức độ vi phạm, trong đó nêu mức độ nhẹ, trung bình và nghiêm trọng và dựa trên các tiêu chí như vậy thì phạm vi ảnh hưởng cũng như số lượng cá nhân bị ảnh hưởng v.v để định ra mức độ thiệt hại, tính chất cố ý hay vô ý của hành vi để có những áp dụng hình thức xử lý phù hợp. Đối với khoản 2 Điều 4, trong điều luật đã quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết, không cần thiết phải ghi cụ thể mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5%. Tuy nhiên, nếu trong hướng dẫn Nghị định của Chính phủ, cần lưu ý với khung quy định cụ thể như vậy, liệu có khả thi và công bằng hay không, cần phải xem xét thật thấu đáo. Do vậy, đề nghị cần phải xác định rõ đối tượng áp dụng và chỉ áp dụng mức phạt theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với tổ chức doanh nghiệp khi có doanh thu lớn cũng như hành vi vi phạm nghiêm trọng có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và có thể bổ sung mức phạt tuyệt đối, ví dụ từ khoảng 50 triệu tối thiểu cho đến 500 triệu tối đa v.v. sẽ có tính khả thi và công bằng hơn. Bên cạnh đó, căn cứ vào lợi ích thu được từ các hành vi vi phạm để định ra mức phạt cho phù hợp. Đồng thời, tại khoản 2, dự thảo luật đã nêu Chính phủ sẽ quy định chi tiết, đề nghị sớm ban hành Nghị định hướng dẫn để khi luật được thông qua. Hơn nữa, có thể bổ sung thêm một số biện pháp xử lý bổ sung để tăng tính răn đe cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm, ví dụ có thể tạm thời đình chỉ hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của tổ chức, doanh nghiệp vi phạm cho đến khi khắc phục hậu quả xong hoặc yêu cầu tổ chức doanh nghiệp vi phạm công khai xin lỗi và thông báo về vi phạm đối với cá nhân bị ảnh hưởng. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể xem xét tước quyền sử dụng giấy phép liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân, v.v.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Điều 7 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Khi so sánh, đối chiếu với Nghị định 13 quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hướng dẫn Luật An ninh mạng, cần nghiên cứu để có tính tương đồng, bởi vì về tính chất, có những quy định trong hành vi bị nghiêm cấm gần tương ứng với nhau. Tại Điều 7 quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm, trong khi đó khoản 5 quy định hành vi mua bán dữ liệu cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên cần làm rõ hành vi bị nghiêm cấm ở mọi hình thức, trừ khi có quy định pháp luật cho phép, điều này sẽ phù hợp với Điều 8 của Nghị định 13 được ban hành ngày 17/4/2023 về quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Luật An ninh mạng.
Tại khoản 6 quy định cố ý chiếm đoạt làm lộ mất dữ liệu cá nhân, đề nghị cần mở rộng hơn, bao gồm cả việc tiết lộ, truy cập trái phép làm sai trái, phá hủy dữ liệu cá nhân nhằm đảm bảo khái quát, đầy đủ các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân để phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn hiện nay. Đồng thời, để có tính tương thích, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nên xem xét và bố trí cho đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm, do vậy đề nghị bổ sung thêm 2 khoản, thứ nhất trong Điều 7 có 6 khoản, đề nghị bổ sung thêm “sử dụng dữ liệu cá nhân để phân biệt đối xử, gây bất lợi cho cá nhân dựa trên thông tin cá nhân của họ”, bổ sung thêm khoản 8 “không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền và chủ thể dữ liệu khi xảy ra vi phạm dữ liệu cá nhân” như quy định tại Điều 23 của Nghị định 13.
ĐBQH Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ĐBQH Bùi Xuân Thống - Đồng Nai: về thời gian kiểm phiếu, thời gian bỏ phiếu đã xong nhưng tổ bầu cử vẫn phải chờ cho tới đúng 19 giờ để bắt đầu kiểm phiếu, không nhất thiết, có thể quy định khoảng 17 giờ để phù hợp, còn tới 19 giờ là quá dài. Nếu quy định rút ngắn thời gian xuống 5 ngày để giải quyết khiếu nại, tố cáo người trong danh sách ứng cử, khả năng không thể xử lý kịp trong khi trước kia có thời gian dài hơn, khoảng hơn 10 ngày, báo cáo thanh tra cũng đánh giá cần phải xem xét lại nếu không sẽ không thể xử lý kịp.
Thời gian vừa qua, dữ liệu cá nhân bị lợi dụng, khai thác rất nhiều như lấy cắp dữ liệu cá nhân để thành lập doanh nghiệp nhưng cá nhân khi phát hiện, đi khiếu nại kéo rất dài thời gian và xử lý rất lòng vòng vì đăng ký kinh doanh là cơ quan quản lý dữ liệu, hiện nay là một cơ quan. Do đó, đề nghị cần có quy định rõ hơn trong việc nếu cá nhân phát hiện dữ liệu của mình bị khai thác trái phép, các cơ quan liên quan phải xử lý nhanh chóng như thế nào, ví dụ tới ngày xuất cảnh, mua vé lên máy bay và thấy thuế quy định không được xuất cảnh do nợ thuế nhưng bản thân không kinh doanh, dữ liệu người này bị lợi dụng để thành lập doanh nghiệp ma để trốn thuế. Vậy ai sẽ gánh chịu thiệt thòi của người này và xử lý dữ liệu này như thế nào, trong dự thảo luật này chưa nêu đầy đủ các vấn đề xử lý khi cá nhân phát hiện ra, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm xử lý việc này và quy trình để đảm bảo dữ liệu cá nhân như thế nào, đề nghị trong dự thảo luật nghiên cứu, đánh giá thêm việc này.

ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đồng Nai: Thứ nhất, luật này quy định năm thủ tục hành chính liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư không có trong danh mục nên đề nghị xem xét, rà soát lại để bổ sung đầy đủ. Thứ hai, bố cục chưa rõ giữa phần xử lý dữ liệu cá nhân của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, đề nghị có hình thức để phân biệt rõ đối với cơ quan quản lý nhà nước ở đây vì nằm lẫn lộn giữa các chương, các điều, rất khó khi tham chiếu. Thứ ba, Điều 16 về cung cấp dữ liệu cá nhân, chủ thể được yêu cầu chỉ có 2 bên gồm bên kiểm soát dữ liệu cá nhân và bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, còn không quy định bên xử lý dữ liệu cá nhân, đề nghị bổ sung thêm. Điều 17 về chỉnh sửa dữ liệu cá nhân, khoản 1 quy định “chủ thể dữ liệu được truy cập, xem, chỉnh sửa; trường hợp không chỉnh sửa trực tiếp vì lý do kỹ thuật khác, chủ thể dữ liệu yêu cầu chỉnh sửa”, chỉ nói yêu cầu nhưng không giao cho Chính phủ quy định thủ tục, trình tự, yêu cầu ra sao, hình thức như thế nào, khi phát sinh xảy ra, không rõ chủ thể dữ liệu thực hiện như thế nào, đề nghị xem xét bổ sung thêm. Khoản 3 điều này quy định “bên kiểm soát dữ liệu kiểm soát và xử lý dữ liệu đồng ý bằng văn bản” trong khi chủ thể không nói trình tự thủ tục hoặc các hình thức yêu cầu ra sao, đề nghị bổ sung thêm. Thứ tư, điểm 1b Điều 39 chỉ quy định “chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân có đủ năng lực về công nghệ”. Nếu quy định như thế này, muốn thành lập 1 doanh nghiệp có 5 tỷ vốn pháp định và có một chuyên gia bảo vệ đủ năng lực về công nghệ nhưng chưa rõ công nghệ này là thế nào, tốt nghiệp đại học hay công nghệ, v.v. chỉ dẫn chưa rõ ràng, đề nghị phải quy định cụ thể hoặc đưa vào giải thích rất rõ tiêu chuẩn này. Từ Điều 39, không thấy Điều 40 mà chỉ thấy Điều 41, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại. Thứ năm, Điều 43 xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân, điểm 5b chỉ quy định vốn pháp định doanh nghiệp từ 5 tỷ trở lên. Đối với một đơn vị làm dịch vụ đánh giá tín nhiệm chỉ có vốn 5 tỷ mà đánh giá tín nhiệm cho một đơn vị nào đó có vốn mấy chục tỷ, trong trường hợp gây ảnh hưởng hoặc đánh giá tín nhiệm không đủ độ hoặc ngoài năng lực ra còn cố ý sẽ ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Với vốn 5 năm tỷ này, bất kỳ ai trong thời gian ngắn đều có thể thành lập với các tiêu chuẩn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, tăng tỷ lệ, tăng phần, vốn của đơn vị dịch vụ này để đảm bảo việc hoạt động hiệu quả.