Sáng 13/5/2025, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tiến hành thảo luận về dự án luật này. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Trước đó, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc
Tại buổi thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, sắp xếp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản trị doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu. Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai tán thành nhiều nội dung đã được Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng như cơ quan soạn thảo tiếp thu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình hết sức cụ thể.

ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại hội trường
Tại Điều 25 về phân phối lợi nhuận sau thuế, đánh giá rất cao Điều này, nhất là liên quan đến phần tăng vốn điều lệ, hy vọng Điều 25 sẽ khả thi. Tuy nhiên, để phù hợp với hệ thống pháp luật, đề nghị phải rà soát lại với các luật chuyên ngành về phần phân phối lợi nhuận sau thuế. Luật chuyên ngành có nhiều luật và đại biểu quan tâm tới Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp khi thiết kế Điều 21 là để lại phần lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp mà công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt, tức là trừ xử lý các chi phí theo quy định luật chuyên ngành. Ví dụ như Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định để lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế không phải chi phí, trong phần lợi nhuận sau thuế đó chia ra rất nhiều loại từ quỹ cho đến phần bù đắp chi phí, cho đến phần để lại các nhiệm vụ để thực hiện và đưa vào ngân sách. Đề nghị phải rà lại, không nên sử dụng cụm từ “xử lý chi phí theo lĩnh vực chuyên ngành”, tức là số thuế này phải phù hợp, thống nhất với phần để lại lợi nhuận sau thuế của các luật chuyên ngành khác và của các doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, khoản 2 Điều 25, quy định để lại không quá ba tháng lương để lập quỹ khen thưởng trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là đúng, nhưng phần đề cập “mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao”, đề nghị bỏ nội dung này. Bởi vì, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao không rõ, khá chung chung. Một nội dung nữa, trong Điều 25 có nội dung ưu tiên nhưng không nêu rõ ưu tiên mà chỉ liệt kê ra các việc trích lại sau thuế. Đề nghị phải xác định ưu tiên trích lập các quỹ trước hay ưu tiên vào việc trích lương, thưởng trước.
Đặc biệt, khoản 4 lợi nhuận sau thuế phần còn lãi được nộp vào ngân sách nhà nước và trừ trường hợp sử dụng để tăng vốn điều lệ. Đề xuất nên nghiên cứu thêm trường hợp để ủng hộ và tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước làm những nhiệm vụ trọng điểm, những nhiệm vụ chiến lược có cơ chế để lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế đối với các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp đi đầu, doanh nghiệp trong lĩnh vực quan trọng trọng điểm thì được cơ chế này.
Liên quan đến Điều 25, đề xuất bổ sung thêm quy định cho phép trường hợp doanh nghiệp nhận được các khoản hỗ trợ, tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn từ quỹ khác ngoài ngân sách nhà nước thực hiện các dự án phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, gia tăng nguồn lực, sản xuất, phát triển hạ tầng dữ liệu doanh nghiệp. Tức là toàn bộ phần giá trị hỗ trợ, tài trợ doanh nghiệp nhận được phân phối toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết 57 cũng như thực tiễn vừa qua trong nghị quyết đặc thù về khoa học, công nghệ là Nghị quyết 193 đã cho phép hỗ trợ tài chính cho các dự án 5G xây dựng các nhà máy sản xuất chip.
Liên quan đến Điều 26, về bảo toàn và phát triển vốn. Mục đích quan trọng nhất của doanh nghiệp nhà nước đó là bảo toàn và phát triển được vốn và đóng được thuế mang lại phần ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, để toàn diện hơn, đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 26 đó là không áp dụng tiêu chí bảo toàn và phát triển vốn đối với một số doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị xã hội do Đảng, Nhà nước giao.
Liên quan đến phần đánh giá, xếp loại doanh nghiệp ở Điều 51. Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ phát triển công nghệ chiến lược vào điểm c khoản 1 Điều 51 và thể hiện lại là “hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp có loại trừ các yếu tố tác động do thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển công nghệ chiến lược”', thực tiễn đang đặt ra một số doanh nghiệp trọng điểm được giao làm một số nhiệm vụ công phát triển công nghệ chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu như sau: Thứ nhất, kế thừa những quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn và còn phù hợp với Luật 69, sửa đổi, bổ sung nội dung mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian tới. Thứ hai, về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như dự thảo luật đã thực hiện việc phân cấp hết sức mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty để tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bổ sung quy định xử lý từ lợi nhuận sau thuế đối với chi phí theo quy định của luật chuyên ngành, những chi phí đầu tư thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ; nâng mức trích tối đa vào Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp; cho thuê, thuê mua, thế chấp cầm cố tài sản, bán tài sản cố định và bổ sung quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ thì dự thảo luật cũng đã phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước. Thứ ba, liên quan đến công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo luật bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bổ sung quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm giải trình các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo yêu cầu. Việc chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp theo 3 phương thức quy định tại Nghị định số 69, đó là đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh và thỏa thuận được thực hiện đối với việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn và xử lý lợi nhuận sau thuế được xử lý các chi phí đầu tư thất bại không được quy định tại luật chuyên ngành. Nội dung này đã tiếp thu trong dự thảo được quy định đầy đủ tại Điều 24. Về chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp đại biểu có đề nghị bổ sung vào Điều 1, nội dung này đã quy định tại Điều 51, Điều 52, Điều 53 dự thảo luật và nghị định sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Điều cuối cùng liên quan đến việc quản lý đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước tham gia vốn dưới 50% cũng như vai trò của SCC (Bộ Tài chính), phải xác định đối với các trường hợp đã góp vốn dưới 50% thì vai trò của Nhà nước chỉ là đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận và tất cả những doanh nghiệp nhà nước tham gia dưới 5% thì đều thông qua người đại diện để theo dõi, đánh giá xem những doanh nghiệp đó có cơ hội phát triển hay không. Nếu có cơ hội phát triển thì sẵn sàng tiếp tục góp vốn, còn nếu không có cơ hội phát triển thì phải thoái vốn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu tham gia về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và lưu ý khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong mối quan hệ với doanh nghiệp tư nhân trong điều kiện hiện nay; về đối tượng áp dụng quản lý vốn nhà nước; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phạm vi, phân biệt hoạt động đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; quyết định công tác nhân sự của doanh nghiệp; trách nhiệm bảo tồn và phát triển vốn của doanh nghiệp; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, người đại diện chủ sở hữu vốn và cũng đề cập tới vai trò của Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước; đề nghị cung cấp thêm những vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhà nước, huy động và cho vay vốn; chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng; phân phối lợi nhuận sau thuế nộp ngân sách nhà nước đối với lợi nhuận còn lại sau thuế; lưu ý đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp trọng điểm và nhiều nội dung quan trọng khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.