Sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc
Tại buổi thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, ưu đãi thuế, miễn thuế đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bù trừ lãi lỗ giữa hoạt động kinh doanh bất động sản với các hoạt động kinh doanh khác, trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Trong phiên thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu, có 3 đại biểu tranh luận. Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai bày tỏ nếu dự án Luật được Quốc hội thông qua sẽ có tác động rất lớn đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với hệ thống doanh nghiệp trong thời gian tới.
Về thuế suất, theo quy định của Điều 10, hiện nay thuế suất áp dụng có 3 loại là 20%, 17%, 15% và áp dụng thuế 17% và 15% cho tiêu chí về doanh thu. Hiện nay, thuế suất áp dụng theo luật hiện hành. Tuy nhiên, việc lấy doanh thu hay lấy tiêu chí doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng lấy tiêu chí là doanh thu thì chưa hẳn khoa học, có những doanh nghiệp có thể doanh thu lớn nhưng lợi nhuận chưa chắc đã cao, lợi nhuận cao nhưng có khi doanh thu có khi lại bé. Đề xuất nên có những tiêu chí phụ bổ sung thêm. Ví dụ tiêu chí về số lượng lao động, ngành, lĩnh vực để tránh tình trạng có thể lách hoặc lợi dụng để tách doanh thu ra, để không phải đóng thuế. Đồng thời, xây dựng thuế suất chung còn lại nên dồn vào một loại thuế suất ưu đãi và ưu đãi cũng chỉ trong vòng 10 hoặc 15 năm, nếu như hiện tại thì rất phức tạp trong công tác quản lý.
ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại hội trường
Khoản 1 Điều 12 nêu trường hợp các luật khác quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác với quy định của luật này, nhưng còn rất nhiều luật chỉ dẫn sang luật này là phải áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đề xuất phải rà soát lại nguyên tắc này, nếu không sẽ bỏ sót.
Liên quan đến khoản 2 của Điều 12 và điểm 1 khoản 1 Điều 61 ưu đãi về thuế đối với cơ sở công nghiệp động viên mà khi thực hiện sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp ở điểm d khoản 1 Điều 64 chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh ở Điều 68 và Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh, hình thành nên một tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trong đó huy động các doanh nghiệp tư, các doanh nghiệp khác tham gia cũng cần phải có sự ưu đãi.
Một là, liên quan đến khoản chi được trừ và không được trừ ở Điều 9. Đề nghị phải rà soát lại các quy định về thuế tại Nghị định 16 quy định về doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và tham gia quốc phòng, an ninh cũng như các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh có ưu đãi để tính khoản chi được trừ, không được trừ cho phù hợp.
Thứ hai, về ngành nghề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 12. Đề xuất bổ sung thêm 1 điểm mới vào sau điểm o khoản 2 của Điều 12, tức là điểm p, sản xuất quốc phòng, an ninh, sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để bảo đảm phù hợp với Điều 61 cũng như Điều 64 của Luật Công nghiệp Quốc phòng An ninh thì đề xuất thêm một điểm p như vậy vào sau điểm o của khoản 2 Điều 12.
Tại khoản 2 Điều 12 này, điểm e cũng đề xuất phải bổ sung thêm để cho rõ, tức là bổ sung thêm vào cuối điểm e của khoản 2 là doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng và an ninh. Đây là chính sách rất quan trọng để có một hệ thống doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh tốt, thật sự là phát triển thì cũng cần phải có ưu đãi và bổ sung vào đây mới phù hợp theo đúng tinh thần mà tại khoản 1 của Điều 12 này. Đồng thời, với việc bổ sung thêm điểm p như đề xuất ở trên ở khoản 2 thì về mặt kỹ thuật ở điểm b của khoản 2 Điều 13, tức là thêm điểm p vào sau một loạt như chỗ điểm b của khoản 2 Điều 13 cho phù hợp. Và điểm cuối cùng, nên bố trí sớm thời điểm có hiệu lực của luật này, có thể là 01/10/2025 để hòa chung với nhịp hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà thêm được một phần về thuế, thêm một phần ưu đãi có tác dụng rất lớn để các doanh nghiệp có thêm động lực để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới đây.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu như sau: Thứ nhất, về rà soát hệ thống các ưu đãi thuế Chính phủ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi lĩnh vực, địa bàn ưu đãi. Trong đó, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao, lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ, sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và các vùng đặc biệt khó khăn. Việc rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo luật cũng đã tính toán hợp lý để một mặt không ảnh hưởng đến tổng thể chung, về chính sách ưu đãi mà chúng ta đang áp dụng,, nhưng đồng thời cũng có những chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực, các địa bàn cần phải khuyến khích theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, về đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản luật chuyên ngành khác. Thứ ba, về việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để góp phần thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Thứ tư, về các khoản chi phí, chi phí được trừ. Tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi Chính phủ trình Quốc hội quy định các khoản chi không tương ứng với doanh thu có tính thuế, không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập chịu thuế doanh nghiệp.
Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập, đây là những hoạt động không phải tạo ra lợi nhuận và đối với những loại dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng là dịch vụ cơ bản, thiết yếu có ảnh hưởng đến an sinh xã hội tác động đến toàn bộ người dân, đặc biệt vấn đề phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thì đánh giá là chưa phù hợp. Ngoài ra, có 2 nội dung rất quan trọng, đó là miễn thuế đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập bao gồm là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành, dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến góp ý về quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế thu nhập chịu thế, thuế suất, phương pháp tính thuế, ưu đãi thuế trong đó lưu ý phạm vi, lĩnh vực ưu đãi thuế, ưu đãi đặc biệt, ưu đãi khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, chuyển lỗ, trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, miễn thuế đối với các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bù trừ lãi lỗ trong hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác, các quy định về xử lý vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, áp dụng pháp luật, quy định chuyển tiếp và nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, lưu ý luật cần có hiệu lực sớm từ 01/10/2025 để góp phần tăng thêm động lực và nguồn lực cho phát triển của doanh nghiệp….
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.