Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Làm rõ định nghĩa về giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần; phương thức đăng ký trên hệ thống sàn giao dịch chứng khoán và công ty chưa niêm yết; giải thích “hợp đồng hiệu quả năng lượng” và việc dán nhãn sản phẩm

Chiều ngày 10/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 08 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 03 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
HoangHai10-5-25.jpg
ĐBQH Lê Hoàng Hải - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ĐBQH Lê Hoàng Hải - Đồng Nai cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật này rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuyển hóa các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, trung hòa carbon và tăng trưởng xanh thành hành động cụ thể. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để hoàn thiện thể chế mà còn là giải pháp cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm áp lực lên tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường trong dài hạn.
Thứ nhất, về hợp đồng hiệu quả năng lượng tại khoản 13 mới được bổ sung vào Điều 3, đại biểu tán thành cao việc bổ sung quy định về hợp đồng hiệu quả năng lượng vào dự thảo luật. Hợp đồng hiệu quả năng lượng ESPC là một công cụ tài chính, kỹ thuật linh hoạt giúp doanh nghiệp và tổ chức giảm chi phí năng lượng mà không cần đầu tư ban đầu lớn, giảm rủi ro kỹ thuật và tài chính, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững, giảm các hóa đơn, chi phí điện, nhiên liệu, v.v. Tuy nhiên, tại dự thảo luật, ngoài việc quy định theo hình thức giải thích từ ngữ “hợp đồng hiệu quả năng lượng”, nội dung dự thảo luật không đề cập thêm đến hợp đồng hiệu quả năng lượng. Về mặt logic, hình thức chưa được hợp lý vì việc giải thích từ ngữ để làm rõ các nội hàm của thuật ngữ được sử dụng trong luật. Bên cạnh đó, hợp đồng hiệu quả năng lượng khá phổ biến trên thế giới nhưng còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Dự thảo Nghị định và quy định chi tiết luật kèm theo trong hồ sơ không có quy định nào liên quan đến hợp đồng hiệu quả năng lượng nên nếu chỉ giải thích từ ngữ “hợp đồng hiệu quả năng lượng” nhưng không quy định gì khác sẽ khó để có căn cứ để triển khai thống nhất. Do đó, đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa những nội dung mang tính nguyên tắc liên quan đến hợp đồng hiệu quả năng lượng và đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai hợp đồng này.
Thứ hai, về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại khoản 17 Điều 1 sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 41. Theo thuyết minh của Bộ Công Thương, đề án thành lập quỹ là quỹ tài chính nhà nước, ngoài ngân sách có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động và nhiệm vụ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đại biểu tán thành việc thành lập quỹ này nhưng chức năng, nhiệm vụ cần được làm tường minh hơn để bảo đảm không chồng lấn với các lĩnh vực nội hàm, các quỹ khác đang thực hiện. Bên cạnh đó, một số ưu đãi dự thảo luật đang thể hiện tại quỹ này không gắn với chức năng, nhiệm vụ của quỹ, ví dụ như quy định: “Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm, vật liệu tiết kiệm, năng lượng; đầu tư, nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng, dự án đầu tư vào các cơ sở tiết kiệm năng lượng; sản xuất, lắp đặt máy móc, thiết bị hoặc vật liệu tiết kiệm năng lượng, các dự án nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng hoặc giảm phát thải khí nhà kính được ưu đãi, hỗ trợ như sau: a) Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Đại biểu cho rằng ưu đãi về thuế hoàn toàn là việc của tổ chức, cá nhân đó với Nhà nước, cụ thể là cơ quan thuế. Chưa thấy vai trò của quỹ này đối với chính sách thuế, trừ trường hợp quy định quỹ sẽ hỗ trợ tổ chức, cá nhân khoản tiền bằng khoản tiền tổ chức, cá nhân đó phải nộp thuế. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm để bảo đảm không chồng chéo về quy định. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý chỉnh lý về mặt kỹ thuật vì còn nhiều lỗi. Ví dụ, tại khoản 3 Điều 1 của dự thảo luật quy định bổ sung khoản 3 Điều 6 nhưng tại luật hiện hành, Điều 6 đã có khoản 3 nên phải thể hiện bổ sung khoản 4 Điều 6 mới chính xác. Hay khoản 17 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi cả khoản 2 Điều 41 nhưng trong khoản 2 này có 2 điểm a và 2 điểm b, bản thân các nội dung tại khoản 2 này chưa logic và gắn bó với nhau. Ngoài ra, một số chỗ chỉ sửa đổi, bổ sung câu mở đầu của khoản nhưng lại thể hiện sửa đổi, bổ sung cả khoản. Đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua cho thuận tiện theo dõi.
 XuanAn10-5-25.jpg
ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp ĐBQH Trịnh Xuân An - Đồng Nai cho rằng sửa đổi, bổ sung một vài vấn đề trong các điều của Luật Doanh nghiệp. Một là để làm tốt hơn khâu quản lý. Hai là thực hiện khuyến cáo của AVG và của đặc nhiệm tài chính, nếu không sửa và không bổ sung thêm tổ chức, cá nhân hưởng lợi doanh nghiệp thì sẽ bị đưa vào danh sách này nên phải có hiệu lực từ sớm. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định đã đánh giá kỹ nhiều nội dung trong sửa Luật Doanh nghiệp, đề nghị rà lại thật kỹ riêng đối với Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung xem còn nội dung nào liên quan không và nếu sửa những điều này thì có liên quan đến những điều khác nữa không. Trong Luật Doanh nghiệp, phải thống nhất nguyên tắc của thị trường và thỏa thuận phải tôn trọng, phải quản lý chặt doanh nghiệp để tránh việc lợi dụng, phải có hệ thống doanh nghiệp minh bạch, công khai. Phân biệt rõ những nội dung liên quan đến quyền của doanh nghiệp và cả những nội dung đối với doanh nghiệp nhà nước, nếu không sẽ tăng chi phí tuân thủ, nhất là việc kê khai, thẩm định liên quan khi mua bán, sáp nhập. Đặc biệt, nếu liên quan đến doanh nghiệp đã niêm yết, doanh nghiệp đã có nền tốt, vẫn tăng quy định theo hướng phải thẩm định, phải làm như ban đầu thì chi phí sẽ cao, không cần thiết.
Ngoài ra, liên quan đến các doanh nghiệp về quốc phòng, an ninh, những doanh nghiệp rất đặc biệt, chúng ta phải có cơ chế để loại trừ, nhất là trong hệ thống doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có cổ phần nhưng phục vụ cho quốc phòng, an ninh. Ví dụ, một số doanh nghiệp của Tổng cục Hậu cần bây giờ hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần nhưng là đơn vị doanh nghiệp quốc phòng rất đặc biệt nên phải rà soát, tính toán.
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Việt Nam là một trong rất ít những nước trên thế giới có những luật mang tính chất kêu gọi và phong trào như luật này và Luật Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, các nước khác không có, chỉ Việt Nam có. Những luật này vừa mang tính nghị quyết, vừa mang tính quy phạm. Tuy nhiên, với tên luật là “sử dụng tiết kiệm, hiệu quả” đề xuất nên thay từ “tiết kiệm” bằng “sử dụng hợp lý và hiệu quả” hoặc “sử dụng hiệu quả” vì bản thân từ “tiết kiệm” đã mang tính kêu gọi và hiệu quả nên không để mệnh đề tiết kiệm, sử dụng hiệu quả hoặc hợp lý năng lượng đã thể hiện hiệu quả trong sử dụng năng lượng.
Việc dán nhãn lâu nay phát sinh nhiều vấn đề, phát sinh chi phí, đánh giá hiệu quả báo cáo tổng kết có nêu. Việc doanh nghiệp được dán nhãn gọi là tích sao cao so với việc sử dụng tiết kiệm hơn không phản ánh vào giá, không thể hiện được tính hiệu quả của quy định này. Vì vậy, ngoài dán nhãn ra, phải có những chỉ số và đã có luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, ban hành đủ các số liệu, nhất là các quy chuẩn cụ thể liên quan đến các mặt hàng về sử dụng năng lượng. Nội dung này có cần thiết không, đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ.
Trong Quỹ Quốc gia phát triển năng lượng bền vững, đề nghị bỏ quỹ này. Thực tế, lâu nay sử dụng quỹ này không hiệu quả và việc hình thành quỹ không rõ về cơ chế tài chính, đóng góp làm sao, ngân sách như thế nào? Vì xuất phát từ vấn đề của tài chính, quỹ của tài chính quốc gia là quỹ ngoài ngân sách nhưng trong đó có một phần của ngân sách, một phần của xã hội hóa, một phần đóng góp nhưng nhiệm vụ chi và cách thức chi không giải quyết được vấn đề gì.
 ThuHang10-5-25.jpg
ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đồng Nai: Trong lần sửa đổi này, phần giải thích từ ngữ định nghĩa có một định nghĩa về giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần. Trước đây, chỉ quy định giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó, giá thỏa thuận giữa người mua và người bán hoặc giá do một tổ chức thẩm định xác định giá, bây giờ chia làm hai loại: cổ phần có niêm yết đăng ký trên sàn giao dịch và không có đăng ký trên sàn giao dịch.
Đối với loại đăng ký trên hệ thống sàn giao dịch chứng khoán, quy định gồm có 3 ba phương thức là xác định giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày, giá thỏa thuận và giá được cơ quan thẩm định. Theo phần giải trình của cơ quan soạn thảo, do quy định rõ giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần để tránh trường hợp thổi giá, thao túng giá. Tuy nhiên, ở đây 30 ngày lại bỏ lửng, không nói 30 ngày nào, có thể bất cứ 30 ngày liền kề hoặc 30 ngày trong tháng trước hoặc năm trước hoặc tính thời điểm 30 ngày kể từ khi đơn vị có đăng ký mua bán hay khi cơ quan có chức năng trả lời hay như thế nào, thời điểm xác định 30 ngày rất mập mờ, nếu nói kiểm soát sẽ chưa chặt chẽ. Hơn nữa, đây là kẽ hở để trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc trong quá trình xác minh hoặc những vấn đề gì, đơn vị vẫn có thể làm được nếu không có quy định rõ ở vấn đề này.
Đối với những công ty chưa niêm yết, có ba phương thức: giao dịch tại thời điểm liền kề trước đó, giá thỏa thuận và giá thẩm định. Giá thỏa thuận với giá thẩm định tương đối rõ, còn giá giao dịch tại thời điểm liền kề trước đó đã không niêm yết thì lấy thị trường nào, lấy gì để nói rằng giao dịch tại thời điểm liền kề trước đó, cơ sở nào để xác định ra được giá này. Bởi vì ở đây được chọn, không nhất thiết phải là một trong ba phương thức này. Công ty có vốn nhà nước tương đối rõ, còn những công ty còn lại thì nội dung giá giao dịch tại thời điểm liền kề trước đó, không có cơ sở nào để khẳng định hoặc đo đếm được hoặc nói rằng giá giao dịch thời điểm trước đó liền kề là giá đó chính xác hay không chính xác nên nguy cơ mà chúng ta bị thao túng giá vẫn còn hiện hữu. Đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thêm để xác định rõ hoặc viết lại cho rõ ý tứ ở phần này.
Trọng Vũ

Các tin khác

thông tin kinh tế - xã hội

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​