Chiều ngày 08/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 08 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 04 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý - Đồng Nai: Thứ nhất, khoản 18 Điều 1 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên, để tránh trường hợp bổ nhiệm, bổ sung thêm các chức năng trùng với chức năng công việc hành chính. Cần lưu ý bổ sung điều khoản này nhưng quy định cụ thể để nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên Tòa án nhân dân tối cao và ngạch Kiểm sát viên tương tự phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án năm 2024. Thứ hai, khoản 19 Điều 1 về các ngạch kiểm sát viên, dự thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban đã nêu rất rõ và đưa ra 2 luồng ý kiến. Luồng thứ nhất đề nghị thống nhất theo dự thảo, tức thay đổi ngạch Kiểm sát viên, trước đây gọi ngạch Kiểm sát viên trung cấp sau chuyển qua Kiểm sát viên chính, ngạch sơ cấp chuyển qua Kiểm sát viên. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp. Đại biểu cho rằng ý kiến thứ hai phù hợp vì tương thích với các cơ quan tư pháp như cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức của cơ quan điều tra hình sự v.v. Vì vậy, không nên hoán đổi tên và thay đổi ngạch từ sơ cấp sang Kiểm sát viên và trung cấp sang Kiểm sát viên chính để phù hợp với ngạch tư pháp hơn.

ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ĐBQH Trịnh Xuân An - Đồng Nai cho rằng đây là bước tiến rất phù hợp, dự thảo nêu rất rõ, có bình luận, có logic, tính kế thừa, sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và theo các cấp xét xử. Nếu sửa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, phải tính toán một cuộc cách mạng triệt để tạo nên một hệ thống xét xử vừa công khai vừa minh bạch và đặc biệt người dân tin tưởng vào hệ thống tư pháp, nhất là dân sự. Thông thường, người dân lựa chọn đến dân sự và có những vụ việc lòng vòng 15 năm chưa xong. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những giám sát rất cụ thể. Phải định hình lại thẩm quyền xét xử, nhất là liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân khu vực và bỏ Tòa án nhân dân cấp cao là một cuộc cách mạng nhưng cần phải có sự đồng bộ trong cả hệ thống tố tụng, đặc biệt liên quan đến tố tụng dân sự, liên quan đến các điều kiện để đề xuất, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, kể cả các điều kiện phúc thẩm, hướng tới thời điểm chỉ một lần ra tòa, hạn hữu hoặc cần đến phúc thẩm đúng theo tinh thần của tố tụng là hoàn thành trong hai lần xét xử, không kéo dài và đừng dẫn đến câu chuyện, kể cả tiêu cực. Đề xuất giao Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giảm lượng án giám đốc thẩm, tái thẩm dồn lên Tòa án nhân dân tối cao, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Công Long - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ĐBQH Nguyễn Công Long - Đồng Nai: Nói đến hệ thống tổ chức khi sửa đổi nhằm thể chế hóa và cụ thể hóa thực hiện triệt để việc sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả hơn và hai hệ thống này được thực hiện theo nguyên tắc chỉ đạo. Trong báo cáo thẩm tra nêu rất rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau. Vì vậy, một số nội dung, quy định cụ thể trong nguyên tắc và trong mô hình tổ chức cụ thể sẽ phải thể hiện sự khác nhau. Khác nhau lớn nhất là tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp xét xử nhưng nguyên tắc xét xử là nguyên tắc Hội đồng xét xử tập thể quyết định theo đa số, còn Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Tòa án nhân dân tối cao đệ trình phương án đề nghị Quốc hội tăng số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao lên 27 người và Viện kiểm sát cũng vậy. Trong Ủy ban Kiểm sát, thành viên Ủy ban kiểm sát có thẩm quyền như thẩm quyền của Hội đồng thẩm phán, Hội đồng thẩm phán thực hiện quyền xét xử, Chánh án Tòa án tối cao chỉ là một phiếu trong hội đồng đó, còn kiểm sát là chế độ thủ trưởng, Ủy ban Kiểm sát là cơ quan tư vấn cho Viện kiểm sát trong một số các hoạt động của mình để giúp Viện trưởng. Nếu đòi hỏi tăng đều như nhau có hợp lý không. Đấy là một trong những yếu tố về nguyên tắc nói lên hệ thống tổ chức bộ máy có đặc trưng như vậy.
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị ngoài việc thay đổi mô hình tòa sơ thẩm, còn đối với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và mô hình để bỏ Tòa án nhân dân cấp cao. Theo số liệu, trong giai đoạn thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, mỗi năm Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được khoảng 2.800 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, chủ yếu ba tòa cấp cao giải quyết đến 7.900 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử chỉ khoảng 800 vụ. Số lượng xét xử rất ít, chứng tỏ sai sót trong tố tụng và sai lầm trong áp dụng pháp luật không nhiều. Tuy nhiên, để ra được giám đốc thẩm và tái thẩm, tất cả các đơn phải xem để ra được quyết định giám đốc thẩm. Vì vậy, có rất nhiều ý kiến đưa ra phương án giảm tải. Với 11.000 vụ này, nếu chỉ đưa thêm 27 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng không giải quyết được, quan trọng là cách thức để xem được hết 11.000 vụ này. Quan trọng nhất là giải quyết được số đơn giám đốc thẩm, phúc thẩm. Viện kiểm sát tối cao đề nghị tăng số lượng có hợp lý không vì chế độ Thủ trưởng và Ủy ban Kiểm sát chỉ có tính chất tham mưu tư vấn cho Viện trưởng, không phải độc lập xét xử, độc lập thẩm quyền trong cơ cấu, cần cân nhắc.
Điều 9 của Luật Giám định tư pháp, chuyển Viện trưởng bổ nhiệm giám định viên là hoàn toàn trái vì theo nguyên lý của giám định tư pháp, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng phụ trách. Nguyên lý giám định là bộ nào phụ trách vấn đề chuyên môn mới có thẩm quyền bổ nhiệm lĩnh vực, nguyên lý từ trước đến nay như thế. Ví dụ, có 3 giám định cơ bản, nhất là pháp y, tâm thần và kỹ thuật hình, chia ra đối với giám định kỹ thuật hình sự, Bộ Công an phụ trách chuyên môn. Cho nên giám định viên của Bộ Quốc phòng hay là của Viện kiểm sát đều phải do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm. Tương tự như vậy, tất cả các giám định viên pháp y của Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng phải đều do Bộ Y tế bổ nhiệm. Bây giờ thay đổi Viện trưởng Viện kiểm sát đứng đầu cơ quan công tố không phải phụ trách về chuyên môn mà bổ nhiệm giám định viên. Điều này phải tuân theo Luật Giám định tư pháp chứ không phải theo thẩm quyền này.
Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 về thu gọn tổ chức bộ máy, ngoài các tòa chuyên trách như Tòa kinh tế, Tòa hình sự, Tòa kinh tế đã phụ trách các lĩnh vực về phá sản, về sở hữu trí tuệ. Có nên thành lập thêm các tòa chuyên trách của Tòa khu vực này không vì nếu như thành lập một tòa tức là tòa chuyên trách chỉ xét xử về các vụ án công vụ, tính chất, số lượng rất ít. Đề nghị Toà kinh tế có thể xét xử hết trong tòa kinh tế, phân công và đào tạo về các thẩm phán, quan trọng nhất có các thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực này và đảm nhiệm xét xử dân sự. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ “Bộ máy giúp việc” nếu không sẽ đi ngược với xu thế luật hiện hành vì trước đây chỉ cần một văn phòng đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ. Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quan trọng nhất làm sao lấy chủ yếu từ nguồn Chánh án và Thẩm phán cấp tỉnh lên vì những người này có năng lực, có kinh nghiệm tích lũy về xét xử, thẩm phán.

ĐBQH Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ĐBQH Bùi Xuân Thống - Đồng Nai: Tòa án là cơ quan trung tâm trong tư pháp, làm sao cho người dân tin tưởng vào hệ thống tư pháp thông qua công tác xét xử của tòa án. Hiện nay có những vụ án dân sự kéo dài rất lâu, án hình sự đỡ hơn, chỉ cần có văn bản Thẩm phán có thể ra quyết định tạm dừng, khoảng vài tháng sau ra quyết định tiếp tục và thụ lý, vấn đề này ảnh hưởng quyền lợi. Việc sửa đổi Tòa án theo mô hình 3 cấp hết sức cần thiết nhưng quan trọng là thẩm quyền 3 cấp này có nghĩa khu vực là Tòa xét xử cấp sơ thẩm, cấp tỉnh phúc thẩm và tối cao là giám đốc thẩm, tái thẩm. Qua lấy ý kiến, trong ngành tòa án, đề nghị xét tất cả các khối lượng hồ sơ sơ thẩm và cộng vào chia theo khu vực, có nghĩa khối lượng của vụ việc của các tòa thụ lý sẽ rất lớn, cho nên tăng thẩm quyền nhưng phải tăng nguồn lực. Liên quan đến tố tụng, đại biểu đề nghị phải tính toán làm sao cho đồng bộ giữa cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cơ quan xét xử để thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc bố trí tòa khu vực và Viện kiểm sát khu vực phải đồng bộ với nhau, thống nhất nhau trong cùng khu vực để dễ thực hiện giám sát, kiểm sát thuận lợi.
Việc giám sát qua cấp huyện, vai trò của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận trong giám sát, đề nghị phải đánh giá, hội đồng xét xử theo chế độ tập thể nhưng thẩm phán và hội thẩm thế nào. Đây là tồn tại, làm sao để giải quyết tốt, lấy lòng tin của người dân trong công tác xét xử hết sức quan trọng.