Chiều ngày 10/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình.

ĐBQH Tổ 19 thảo luận chiều ngày 10-5-2025
Tại buổi thảo luận ĐBQH Lê Hoàng Hải Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có ý kiến việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuyển hóa các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, trung hòa carbon và tăng trưởng xanh thành hành động cụ thể. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để hoàn thiện thể chế, mà còn là giải pháp cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm áp lực lên tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường trong dài hạn.


ĐBQH Lê Hoàng Hải Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu cho rằng Báo cáo thẩm tra của UBKHCNMT đã đánh giá đầy đủ và khá toàn diện về các nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, về Hợp đồng hiệu quả năng lượng (khoản 13 mới được bổ sung vào Điều 3)
Tán thành cao việc bổ sung quy định về Hợp đồng hiệu quả năng lượng vào dự thảo Luật. Hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC) là một công cụ tài chính – kỹ thuật linh hoạt giúp doanh nghiệp và tổ chức giảm chi phí năng lượng mà không cần đầu tư ban đầu lớn, giúp giảm rủi ro kỹ thuật và tài chính; thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững, giảm hóa đơn chi phí điện/nhiên liệu…
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật thì ngoài việc quy định theo hình thức giải thích từ ngữ Hợp đồng hiệu quả năng lượng thì nội dung dự thảo Luật không đề cập gì thêm đến Hợp đồng hiệu quả năng lượng. đại biểu cho rằng, về logic hình thức là không hợp lý, vì việc giải thích từ ngữ là để làm rõ nội hàm của một thuật ngữ được sử dụng trong Luật. Bên cạnh đó, Hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC) khá phổ biến với thế giới, nhưng cũng còn tương đối mới mẻ với Việt Nam. Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật cũng không có quy định nào liên quan đến Hợp đồng hiệu quả năng lượng. Vì vậy, việc chỉ đưa ra giải thích từ ngữ “Hợp đồng hiệu quả năng lượng" nhưng không có quy định gì khác liên quan đến hợp đồng này sẽ khó có căn cứ triển khai.
Do đó, nghị cần cụ thể hóa hơn những nội dung mang tính nguyên tắc liên quan đến Hợp đồng hiệu quả năng lượng; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao Bộ Công thương hướng dẫn triển khai Hợp đồng.
Thứ hai, về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (khoản 17 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 41)
Theo thuyết minh của Bộ Công thương tại Đề án thành lập Quỹ thì đây là Quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động và nhiệm vụ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tán thành việc thành lập Quỹ này, tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ cần được làm tường minh hơn để bảo đảm không chồng lấn với các lĩnh vực, nội hàm mà Quỹ khác đang thực hiện. Bên cạnh đó, một số ưu đãi mà dự thảo Luật đang thể hiện tại Quỹ này là không gắn với chức năng, nhiệm vụ của Quỹ. Việc quy định ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Ưu đãi về thuế hoàn toàn là việc của tổ chức, cá nhân đó với Nhà nước, mà cụ thể là cơ quan thuế, chưa thấy vai trò của Quỹ này đối với chính sách thuế, trừ trường hợp quy định là Quỹ sẽ hỗ trợ tổ chức, cá nhân khoản tiền đúng bằng khoản tiền mà tổ chức, cá nhân đó phải nộp thuế… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm để bảo đảm không chồng chéo về quy định.