Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhận diện rõ khó khăn, thách thức để có giải pháp phù hợp

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về 06 nội dung: (i) đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; (ii) phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (iii) việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; (iv) việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; (v) công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; (vi) kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 07 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 04 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
HuyKhanhsang23-5-25.jpg
ĐBQH Đỗ Huy Khánh - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo có nói công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xóa mù tiếp tục được Chính phủ, các địa phương quan tâm đầu tư nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là một chương trình giáo dục thường xuyên được tích cực triển khai theo lộ trình, công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 được chú trọng; tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan từng bước được khắc phục, vấn đề chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; nhiều ngành học của một số cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng uy tín của thế giới; cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học. Lĩnh vực này phải đánh giá thêm tác động về tình hình kinh tế, chính trị - xã hội 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm.
Cần có đánh giá một cách toàn diện khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 vào thời điểm giữa năm, có nội dung liên quan tình trạng cấm dạy thêm, học thêm dẫn tới tất cả các đơn vị hết sức bị động. Thông tư 29 đã quy định rất rõ ràng ở tầm vĩ mô, chưa có hướng dẫn cụ thể và điều quan trọng nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn đưa dạy thêm, học thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì những trung tâm tổ chức dạy thêm, học thêm khi xin giấy phép kinh doanh, đã có những quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 29 ban hành chưa có hướng dẫn cụ thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến tình trạng giấy phép kinh doanh hộ gia đình tràn lan. Trong khi đó, ngành giáo dục và đào tạo không xử lý được một trường hợp nào. Mặt khác, việc xây dựng vị trí việc làm cực kỳ quan trọng, đến nay Bộ Nội vụ chưa xây dựng được đề án vị trí việc làm, sau khi sáp nhập mong muốn được để trả lương theo đúng vị trí việc làm. Luật Giáo dục được thông qua thì giáo viên trả lương cao nhất là lương như thế nào; Về vấn đề dạy thêm, việc xin giấy phép kinh doanh hộ gia đình đang gặp nhiều bất cập liên quan đến nhiều nội dung: chủ cơ sở đăng ký (người nhà giáo viên đứng tên đăng ký), không có quy định cụ thể về cơ sở vật chất (phòng ốc, bàn ghế, điều kiện ánh sáng) chẳng có quy định cụ thể để xử lý. Dẫn đến nhiều phát sinh nhiều biến tướng để lách luật. Đề nghị cần xem xét, đánh giá lại công tác quản lý dạy thêm, học thêm. Nếu trong trường hợp lương giáo viên cao, đủ sống thì nên cấm việc dạy thêm, học thêm.
Theo Luật Giáo dục, vẫn thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT, là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, khi thực hiện, triển khai sẽ có nhiều vấn đề, một phòng thi có thể thi rất nhiều môn, thậm chí 7, 8 môn, ngoài 02 môn bắt buộc Toán, Văn, còn lại những môn khác như tổ hợp tự nhiên, tổ hợp xã hội thì các em sẽ chọn (Lý, Hóa, Sinh) dẫn tới trong một phòng thi có 7 - 10 đề thi, thầy cô trong phòng thi sẽ rất vất vả. Đề nghị xem xét, đánh giá lại kỳ thi hai trong một (lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học) lý do tiết kiệm ngân sách cho phụ huynh học sinh, việc thi như vậy đã đảm bảo chưa vì thực tế khi tổ chức đánh giá năng lực, có những trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh không công nhận kết quả, mà các trường này tổ chức thi đánh giá năng lực, không phải tổ chức một lần mà tổ chức ba lần trong một năm, phụ huynh vẫn cho con em đi thi. Đề nghị nên để kỳ thi đại học cho Bộ Giáo dục là người quản lý, giao cho các trường đại học tự chủ tổ chức và quản lý kỳ thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là người ra đề và các địa phương quản lý.
 NhuY23-5-25.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Trong báo cáo bổ sung về chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024 và giải pháp năm 2025 đề cập đến vấn đề về an sinh xã hội nhất là trật tự an toàn xã hội và vấn đề về môi trường, chưa quan tâm đúng mức đến môi trường, mới chỉ đánh giá về mức độ không khí. Cần phải đánh giá để có giải pháp căn cơ để thật sự có môi trường sạch, xanh đồng đều, dần dần nâng cao hành vi của người dân, vì sau hình ảnh lễ hội hoặc chương trình giải trí thì rác nghiễm nhiêm được tấp vô tội vạ … vào những con suối nhỏ, cống, rãnh làm ảnh hưởng đến môi trường trường chung. Cần phải nhìn nhận những vấn đề nhỏ nhưng phản ánh tính bền vững cũng như ý thức trong việc bảo vệ môi trường ở phạm vi lớn.
- Về phát triển kinh tế, báo cáo có nêu: “chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ và lợi ích chung, chính đáng, hợp pháp của Việt Nam” và có nêu giải pháp “khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ”. Mặc dù trong báo cáo nêu rất cụ thể về khó khăn, vướng mắc và đề cập giải pháp nhưng báo cáo cần phân tích những khu vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng để có những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn, vì nội dung này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người lao động.
- Về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhất là nhà ở cho công nhân, trong báo cáo chỉ đề cập đến việc triển khai, đặc biệt đối với việc giải ngân để cho vay, thực hiện cải tạo khu vực nhà ở, khu chung cư cũng như nhà ở thu nhập thấp. Tỷ lệ giải ngân cực kỳ thấp, theo số liệu “chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo lại chung cư cũ chưa đạt yêu cầu” và tính đến tháng 2/2025, các ngân hàng thương mại chỉ mới giải ngân được 3.400/145.000 tỷ đồng, chỉ đạt 2,34%. Hiện nay chỉ quan tâm đến chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt tỷ lệ rất cao nhưng giải ngân nhà ở xã hội cực kỳ thấp, không đưa ra nguyên nhân nên chắc chắn không đưa ra giải pháp. Nếu tỷ lệ giải ngân thấp như vậy, những người cần và đối tượng cần hưởng thụ từ chính sách này tiếp cận rất thấp nên cần phải đánh giá, nhìn nhận nguyên nhân để đưa ra giải pháp thật sự hiệu quả.
BXT23-5-25.jpg
ĐBQH Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Thứ nhất, đánh giá ngân sách của năm 2024 thu tốt nhưng trong báo cáo thẩm tra của các năm đều nói đến dự toán thu không sát với thực tế nên năm nào cũng vượt thu ngân sách. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại điều này kỹ hơn để có dự báo thu chính xác phục vụ tốt cho việc điều hành về kinh tế vĩ mô. Thứ hai, đề nghị đánh giá thêm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư công đã chuyển qua có đánh giá trong tỷ lệ giải ngân trong năm trước hay không. Nếu không đánh giá rõ chỗ này, báo cáo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công con số thực tế không đạt, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và các mặt khác trong điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ ba, báo cáo thẩm tra đánh giá tiêu dùng còn thấp, chưa đạt được các yêu cầu là chính xác. Nếu nói rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt nhưng thực tế xem lại việc mua bán hàng hóa ở chợ, đời sống của người công nhân còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, 70% chi tiêu hiện nay của người lao động tập trung vào nhóm hàng hóa về hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm. Đời sống của người dân lao động còn gặp nhiều khó khăn khi tốc độ tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng cao hơn tốc độ tăng trưởng. Đề nghị cần phải có đánh giá và giải pháp trong thời gian tới; Về sách giáo khoa, để chuẩn bị cho năm học mới đến nay việc biên soạn một bộ sách giáo khoa dùng chung vẫn chưa thấy.
Đề nghị trong phần đánh giá và phương hướng tới cần nhấn mạnh nội dung này và yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thành bộ sách giáo khoa trong năm 2026; Năm nay, các em học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình mới, gây tâm trạng lo lắng cho cả thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh vì không biết tổ chức thi sẽ như thế nào, trong báo cáo của Ủy ban Văn hóa đã đánh giá nhưng chưa sâu sát việc này; Công tác hướng nghiệp chưa được quan tâm và tâm lý vẫn phải vào đại học, ở góc độ nào đó vào đại học còn dễ hơn thi tốt nghiệp. Đây là một thực trạng, bây giờ trường nào cũng có, ngành nào cũng có, chỉ cần đậu tốt nghiệp chắc chắn được vào đại học, đáng lẽ thi đại học phải khó hơn thi tốt nghiệp, dẫn đến việc có bằng đại học nhưng không dùng được gây lãng phí cho xã hội. Đề nghị trong báo cáo phải đánh giá và nhìn nhận thực trạng này. Báo cáo cũng đề cập nguồn nhân lực chất lượng không cao nhưng công nhân lao động phổ thông ở các khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai có trình độ đại học nhưng không tìm được việc làm phù hợp phải đi làm công nhân việc này có lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội hay không, đề nghị đánh giá sâu hơn để tập trung và định hướng về giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo nghề.
Trong đánh giá phương hướng mục tiêu thực hiện của năm 2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hỗ trợ kinh tế tư nhân. Đề nghị trong giải pháp của Chính phủ 6 tháng cuối năm khẩn trương đưa Nghị quyết này vào cuộc sống để tạo bệ đỡ cho kinh tế tư nhân phát triển, nhất là trong bối cảnh 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân được thành lập đều thấp hơn số giải thể (theo số liệu quý I/20255 thành lập 24.300, giải thể 26.300) khu vực kinh tế tư nhân gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, tiếp cận nguồn vốn, tìm kiếm thị trường, Chính phủ cần phải quan tâm, hỗ trợ thêm để đạt được tốc độ phát triển 2 con số.
CongLongsang23-5-25.jpg
ĐBQH Nguyễn Công Long - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Quốc hội đã đặt mục tiêu, kỳ vọng rất cao trong năm 2025 chỉ số GDP tăng 8% và tiếp theo tăng về 2 con số. Nhưng ngay từ đầu năm, cuộc chiến về thương mại với chính sách thuế quan hết sức cực đoan của Mỹ, điều này đặt ra rất nhiều thử thách. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những quyết sách phản ứng cực kỳ mau lẹ, quyết đoán, tạo niềm tin đối với nhân dân và trong phát triển kế hoạch sắp tới.
Về các chỉ tiêu, nhiệm vụ vẫn đạt được các mục tiêu đề ra, thu ngân sách tăng cao, về an ninh, quốc phòng, về kinh tế, xã hội cơ bản đạt. Tuy nhiên, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính có nhiều vấn đề cần đặt ra đó là nền kinh tế của ta phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu (thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc), so với các nước khác đây là con số xuất siêu rất lớn nhưng giá trị được hưởng trong xuất siêu không nhiều, hệ lụy là bị áp chính sách thuế nặng nề. Đây là một thử thách nhưng cũng là cơ hội để điều chỉnh, cơ cấu lại kinh tế bởi xuất khẩu chưa thực sự dựa trên sự lớn mạnh của chính các doanh nghiệp nội địa, tiềm lực để sản xuất và xuất khẩu. Nông sản nhiều nhưng bị phụ thuộc, chi phối của Trung Quốc tạo ra việc sản xuất không bền vững, không ổn định, rất mong Chính phủ sẽ có những quyết sách để xử lý. Tình trạng sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đây là vấn nạn xã hội, đòi hỏi nâng cao quản lý nhà nước nhưng quản lý nhà nước trước hết cũng phải đòi từ thể chế. Nghị quyết về kinh tế tư nhân ban hành, phát động một phong trào thi đua làm giàu, quan trọng nhất là làm giàu phải hợp pháp, đòi hỏi có những cải cách rất quan trọng trong quản lý, chính sách hoạt động thanh tra thay đổi phù hợp với tình hình hiện nay (thanh tra hành chính khác với thanh tra hoạt động kinh doanh).
Để đạt được chỉ tiêu về GDP 8%, trông chờ chủ yếu vào đầu tư công, đảm bảo tiến độ của các dự án, công trình nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng. Qua những chiến dịch thần tốc hoàn thành các chương trình, công trình trọng điểm như sân bay, nhà ga T3, hầm chui TP. Hồ Chí Minh mới đưa vào hoạt động đã có trục trặc. Đề nghị Chính phủ quan tâm để các công trình trọng điểm sắp tới vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng, không để sự cố xảy ra ngay sau khi khánh thành ảnh hưởng niềm tin của nhân dân, của cử tri.
Đề nghị Chính phủ cân nhắc việc sáp nhập các đơn vị cấp tỉnh, thành phố mở rộng và tạo ra những dư địa phát triển kinh tế rất quan trọng, giữa các địa phương nên cân nhắc các dự án và các công trình đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả, khắc phục tình trạng liên kết vùng giữa các địa phương kém.
Chính sách về xã hội hóa sách giáo khoa Nhà nước không đảm bảo được vấn đề vì quan trọng nhất là bản quyền sách Nhà nước không nắm giữ mà thuộc về doanh nghiệp nên không có chuyện giảm giá sách, chỉ có tăng lên. Phải đánh giá lại việc đa dạng hóa các bộ sách, với kiến cơ bản nhất, hệ thống giáo dục đại học mới cần đa dạng, cần kiến thức sâu rộng trong khi giáo dục phổ thông thậm chí tiểu học rất đa dạng, cuối cùng mỗi trường một bộ sách khác nhau, chi phí mua sách rất lớn cho phụ huynh. Thêm nữa, khi cần cứu trợ, kêu gọi quyên góp ủng hộ sách giáo khoa, tất cả các trường bị bão lụt không sử dụng được vì mỗi nơi dùng một kiểu. Cần đánh giá lại, xem xét mua lại bản quyền và Nhà nước phải độc quyền, chỉ dùng một bộ sách, vì kiến thức phổ thông không cần thiết phải đa dạng.
Trọng Vũ

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử VP. ĐBQH tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Chánh Văn phòng​
Địa chỉ: Số 377 đường 30/4, P. Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.947.948; Fax: 02518.820.286​; Email:
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Đồng Nai'
hoặc 'ddbqh.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​​