Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 17/5/2025, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham dự phiên thảo luận tại Tổ 19 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành Phiên thảo luận. Đã có 04 đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 02 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ:
ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
- Đối với Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) ĐBQH Trịnh Xuân An - Đồng Nai về mặt cấu trúc và kỹ thuật, đề nghị phải có một điều riêng về quỹ tài chính ngoài ngân sách để phù hợp với giải thích từ ngữ. Khoản 12 của Điều 8, Nhà nước không hỗ trợ cho quỹ tài chính, trừ trường hợp pháp luật quy định, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng chính sách pháp luật, đề nghị thêm cụm từ “về quốc phòng, an ninh”. Hiện nay, Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo Luật Công nghiệp phòng, an ninh đã cho để lại sau thuế và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần để làm vốn điều lệ.
Khi quy định về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đề xuất nên có một điều để giới hạn lại việc thành lập quỹ này. Bây giờ, Luật nào cũng có quỹ và luật nào cũng cấu thành một phần từ ngân sách đưa vào điều lệ, chỉ nên thành lập quỹ ở lĩnh vực khoa học, công nghệ. Về vấn đề chuyển nguồn đang bổ sung rất nhiều cơ chế khác, như lĩnh vực đặc biệt trong quốc phòng, an ninh và lĩnh vực khoa học, công nghệ cho chuyển nguồn đến khi hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị bổ sung thêm nếu chưa có nội dung này. Liên quan đến phần phân chia khoản thu của trung ương, địa phương, phần điều tiết để lại cho địa phương, nội dung này mong điều kiện đơn giản hơn, có thể phân cấp mạnh hơn. Quốc hội phải quy định nguyên tắc cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng quyết định.
- Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Kiến nghị việc xử lý các dự án BOT hiện nay, những dự án đã ký nhưng bị ảnh hưởng bởi chính sách, quy hoạch và bố trí vào những công trình khác sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng. Về nguyên tắc Nhà nước trong quan hệ với doanh nghiệp, nhất là trong quan hệ kinh tế, doanh nghiệp đã ký thì phải chịu trách nhiệm, còn việc sai đến đâu xử lý đến đó hoặc có vấn đề lợi tức hay vấn đề gì khác nhau nhưng Nhà nước đã ký với doanh nghiệp phải sòng phẳng. Nếu thay đổi chính sách, có những hành vi hành chính dẫn đến doanh nghiệp thua thiệt, thậm chí phá sản thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm khoản này. Đề xuất đưa toàn bộ Điều 99a về xử lý những dự án BOT vào Nghị quyết chung của kỳ họp và không nên để trong luật và giao Chính phủ.
- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam: Về quy định cho người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam, ví dụ cho một số cầu thủ bóng đá, một số người nổi tiếng nhập quốc tịch, đồng tình với chủ trương này, thời gian quy định 5 năm có thể cân nhắc 3 năm. Người dân có hộ chiếu đầu tư hoặc những quy định cụ thể về đầu tư vào các nước khác thì cho nhập quốc tịch. Nếu quy định trong luật khuyến khích được các nhà đầu tư, nhà khoa học, người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá, đề xuất có thể nới hơn điều kiện này để nhập quốc tịch Việt Nam.
- Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đồng Nai: Về phần đánh giá tác động của việc sửa các luật này thấy chưa có đối tượng rộng rãi, có một ý “gắn với trách nhiệm giải trình và do Chính phủ quy định chi tiết”, không có điều nào giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm giải trình, nội dung giải trình là gì, đối tượng nào giải trình, giải trình ra làm sao, vì nếu giải trình, thẩm quyền của người quyết định giải trình đúng, sai hay thế nào là cảm tính, đôi khi không có khung nào kiểm soát hoặc điểm để xác định mà chỉ thuộc ý chí của người ra quyết định, của người nhận thông tin giải trình, rất bất cập. Khi đã làm một thời gian 5 - 10 năm sau mà người tiếp nhận giải trình nói không phù hợp, kéo theo nhiều vấn đề khác nên đề nghị ghi rõ giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong điều nào để thực hiện dễ dàng.
ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Điều 53, chỉ định thầu ở điểm d quy định duy nhất một nhà thầu, nhà sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường là không phù hợp, ví dụ xe ô tô như Honda, Mercedes, Volkswagen v.v nhưng loại xe chỉ có Honda sản xuất hoặc chỉ có một nhãn hiệu sản xuất còn những hãng kia dù cũng sản xuất nhưng hãng này không sản xuất được tính năng của hãng kia. Khi đấu thầu hoặc chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu, xe rất nhiều hãng có thể cung cấp được nhưng đối với những tính năng hoặc những nhu cầu của đơn vị thì chỉ có một nhà cung cấp, nhà sản xuất lại không đúng tiêu chí về mặt kỹ thuật, không phải là điều quyết định toàn bộ nhưng ảnh hưởng đến dây chuyền, công đoạn của sản xuất hoặc nhu cầu của bên đơn vị có yêu cầu cần phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó. Đề nghị nên xem xét lại bởi vì ở đây còn liên quan đến tính chất, tính năng kỹ thuật.